Header Ads

Header Ads

"Tám Mù" hát rong - Bán tiếng ca khắp Sài Gòn

Gia đình tan vỡ khi con gái mới 4 tuổi, ông "Tám mù" một mình lặn lội nuôi con, hàng ngày người nghệ sỹ khiếm thị này vẫn miệt mài cống hiến tiếng đàn tiếng hát trên đường phố để kiếm tiền chữa trị đôi mắt cho con gái nhỏ.

- Nếu cho con 3 điều ước con sẽ ước gì?
- Điều thứ nhất con sẽ ước... cho mắt của ba và con sáng bình thường như mọi người!
- Vậy điều thứ hai, con ước gì?
- .....

Người cha bán tiếng ca kiếm tiền chữa trị con mắt còn lại cho cô con gái nhỏ - Thực hiện: Quỳnh Trân

Ông Tám mù 20 năm hát rong trên phố Sài Gòn

Chiều hôm đó, mưa về trên con hẻm nhỏ tại Sài Gòn, 2 người nghệ sĩ mù một người đi trước một người phía sau, họ kết nối với nhau bằng một sợi dây được cột vào nút áo. Cứ thế họ mải mê với những giai điệu của mình, mặc cho nước không ngừng rơi trên từng phím đàn. Chốc chốc có vài người hảo tâm chạy vội ra bỏ vài đồng tiền lẻ vào chiếc túi vải treo trên cây đàn.




Tám mù là tên mà người trong xóm vẫn thường gọi ông Hồng Văn Triệu (52 tuổi). Còn riêng tôi, vẫn quen gọi ông là "Người hát rong". Không ít lần tôi gặp ông Tám đàn và hát trên xe buýt, trong chợ hay trong những con hẻm của Sài Gòn. Ngón guitar điệu nghệ của người đàn ông khiếm thị khiến người ta dừng lại giây lát để thưởng thức và thán phục tài nghệ của ông.



Hàng ngày ông vẫn thường di chuyển bằng xe buýt đi khắp nơi ở Sài Gòn để mưu sinh.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, có đến tận 6 người bị bệnh về mắt, ông Tám bị khiếm thị khi mới lọt lòng mẹ. Vốn đam mê âm nhạc, ngày còn nhỏ ông đã học lỏm bạn bè rồi tự mua máy cassette về nhà nghe để luyện đàn. Ông trời lấy của ông Tám đôi mắt, nhưng lại bù cho ông đôi tai và đôi tay. "Chú học đàn nhanh lắm, khoảng mấy tuần là biết căn bản. Rồi sau này nghe máy cassette nhiều, cứ thích bài nào rồi học thuộc lời, tập bấm hợp âm rồi ráp vô thôi" - ông Tám kể.



Năng khiếu âm nhạc bẩm sinh giúp ông Tám nhanh chóng học thành thạo các ngón đàn.

Sức khỏe yếu, lại khiếm thị, việc mưu sinh của ông Tám càng khó khăn trăm bề. Không có vốn liếng gì trong tay, ông đi bán... tiếng hát. Hơn 20 năm nay hàng ngày ông Tám cùng người bạn của mình là ông Đức rong ruổi khắp ngõ hẻm thành phố để phục vụ lời ca tiếng hát cho người đời. Ông Tám đi trước vừa đánh đàn vừa hát, còn ông Đức - người "đồng nghiệp" mù ở cạnh nhà theo sau gõ trống BoBo đệm theo giai điệu.



"Cũng đành xin làm người hát rong/ Chỉ mong đời không chê trách/ Chỉ mong chuyến xe muộn màng/ Không dừng sớm khi đang rong chơi..." - Trích đoạn bài hát Xin làm người hát rong.

Những tháng năm rong ruổi trên đường phố cũng giúp ông Tám kết duyên cùng một người phụ nữ. Cả hai có với nhau một đứa con gái, ông đặt tên là Hồng Từ Triệu Vy (2008). Năm Triệu Vy được 4 tuổi thì vợ chồng ông Tám chia tay, vợ ông đi tìm hạnh phúc mới. Ông chẳng oán trách, cũng chẳng đổ lỗi cho ai, chỉ buông lơi hơi thở dài: "Giữ người ở, ai giữ người đi".


Triệu Vy - cô con gái lanh lợi của ông Tám.

Gà trống nuôi con, ông Tám cố gắng mỗi ngày để kiếm tiền nuôi con ăn học. Triệu Vy bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, nên việc học tập cũng có phần vất vả hơn. Thương con gái, ông Tám ngày ngày dành dụm tiền để đưa con đi chữa trị. Ba năm trước nhờ một mạnh thường quân hỗ trợ một ít tiền, ông Tám gom hết vốn liếng đi mổ trước mắt bên phải cho con.



Mắt phải của Triệu Vy đã được mổ lấy lại thị giác, còn mắt trái của em thì chẳng biết khi nào mới có điều kiện chữa trị.

"Đời chú coi như bỏ, giờ chỉ mong con bé sớm được chữa lành con mắt còn lại"

Tôi gọi Triệu Vy là "Én nhỏ", không phải vì con bé có cái tên giống cô diễn viên nổi tiếng bên Trung Quốc mà vì ở sự lanh lợi của con bé 9 tuổi khiến tôi nhiều lần bất ngờ lẫn thích thú. Én kể: "Hồi trước ba xin cho con lên bàn đầu ngồi để dễ theo dõi bài học trên bảng, nhưng giờ có kính rồi nên cô giáo chuyển con xuống bàn cuối ngồi rồi. Cô chuyển mấy bạn học yếu hơn lên bàn đầu để dễ quản lý".



Ước mơ lớn nhất hiện tại của ông Tám là có đủ tiền để chữa trị mắt còn lại của con gái.

Dù chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa, nhưng Én nhỏ vẫn luôn đạt thành tích tốt trong học tập. Mỗi sáng, ông Tám đi làm sớm Én nhỏ phải nhờ người bà con chở đến trường để học. Chiều tối về, dù có bận chuyện gì thì hai ba con cũng cùng nhau đi ăn tối. Không thể hoàn hảo, không thể cho Én nhỏ những điều kiện đủ đầy như những người cha khác nhưng trong suốt 9 năm qua ông Tám chưa bao giờ để Én phải tủi thân.



Suốt những năm qua những đồng tiền lẻ này đã nuôi sống 2 cha con qua những ngày gian khó.

Nếu phải lựa chọn mắt của con gái được chữa lành hay mắt của bản thân được sáng rõ thì đương nhiên ông Tám luôn dành điều may mắn đó cho con gái. Ông tâm sự: "Đời chú coi như bỏ, giờ chỉ mong con bé sớm được chữa lành con mắt còn lại, học hành thành tài để tự chăm sóc được cho bản thân".



Nhiều người thương cho hoàn cảnh của bố con ông Tám nên ủng hộ ông ít tiền nuôi con ăn học.Những ký ức của Én nhỏ về mẹ khá mơ hồ, con bé dường như chẳng còn quá nhiều ấn tượng về mẹ. Tôi từng hỏi Én: "Trên đời con thích điều gì nhất?". Con bé ra vẻ trầm tư suy nghĩ: "Con thích ba!" - rồi quay sang cười hì hì với ba. Cuộc đời lấy của ông Tám rất nhiều thứ, nhưng đã đem Én nhỏ đến bên ông như một món quà vô giá.

Tôi tin sau những năm tháng vất vả mưu sinh trên đường phố, ông Tám thật sự hạnh phúc khi có cô con gái lanh lợi bên cạnh, và cả Én nhỏ cũng vậy cả cuộc đời này chỉ cần có ba là đủ.




Cuộc sống không lấy đi của ai tất cả...
-Vậy điều thứ hai, con ước gì?
- Con ước cho con có nhiều tiền để nuôi ba.
- Còn điều cuối cùng, suy nghĩ kỹ nha!
- Điều cuối cùng con ước.... có thêm 5 điều ước nữa, để dành, mai mốt lớn lên con ước tiếp!