Nguyễn Thiện Tơ - Thầy của nhiều nhạc sĩ tên tuổi
Bằng tình yêu với người vợ thân thương và tình yêu âm nhạc, ông cùng bà dìu dắt các con cháu dâng hiến cho âm nhạc trong một cuộc sống thực rất tùng tiệm.
Ở Hà Nội, tại số nhà 22 Mai Hắc Đế (khi xưa là phố Charron), bao quanh là những cửa hàng hoa tươi, cửa hàng thời trang và những nhà hàng đặc sản, có một người nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu Tân nhạc vẫn sống lặng lẽ trong căn buồng nhỏ với đầy hồi ức của một thời in bóng. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ nổi tiếng với ca khúc "Giáo đường in bóng" (thơ: Phi Tâm Yến) được mọi thế hệ yêu chuộng.
Kết quả của mối tình đầu
Nguyễn Thiện Tơ quê ở Thanh Oai - Hà Đông (nay là Hà Nội) nhưng sinh ra ngay tại căn nhà 22 Mai Hắc Đế, Hà Nội năm 1921. Ông là một trong rất ít các nhạc sĩ Tiền chiến còn minh mẫn, khỏe khoắn ở tuổi 97.
Vào kỳ nghỉ hè 1938 của Trường Thăng Long mà Nguyễn Thiện Tơ là học sinh, ông được mời xuống Nam Định tham gia biểu diễn guitar trong buổi từ thiện. Trong khoảnh khắc ấy, tâm hồn chàng trai 17 tuổi chợt xao xuyến khi bắt gặp vẻ đẹp của nàng thiếu nữ tên là Hà Tiên cũng đến tham gia hát. Nhưng khi biết nàng là người theo đạo Thiên chúa, thì chàng vô cùng thất vọng trong tâm trạng là kẻ ngoại đạo. Nhưng điều trớ trêu là nàng cũng nhiều cảm tình với chàng. Bởi thế mà chàng đã viết ra bài hát "Giáo đường in bóng" với lời lẽ mộc mạc, sau được nhà thơ Phi Tâm Yến hoàn chỉnh ca từ và phổ biến rộng rãi.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và vợ Ảnh: Tư Liệu
Mối tình đầu và là mối tình duy nhất của chàng và nàng đã phải vượt qua nhiều năm tháng khó khăn trong quan niệm lương giáo của hai gia đình. Chàng về lại Hà Nội, muốn nói gì với nàng thì phải ra Bưu điện Bờ Hồ đánh điện tín (xưa quen gọi là đánh dây thép) cho nàng. Đầu tiên là đánh xuống Nam Định, sau khi gia đình nàng vào Vinh thì đánh vào Vinh. Thời ấy, tìm được một thiếu nữ xinh đẹp và hát hay quả là hiếm hoi. Nhạc sĩ Lê Thương khi còn ở Nam Định cũng đã thầm yêu nàng. Mối tâm sự đơn phương ấy, sau này được ông gửi vào bài hát "Nàng Hà Tiên". Còn nhạc sĩ Phạm Duy trên đường hành phương Nam cùng gánh hát, khi tới Vinh gặp nàng, cũng thầm yêu trộm nhớ.
Mùa xuân 2000, khi Phạm Duy về Hà Nội, người viết bài này đã đưa Phạm Duy tới thăm bạn đồng niên (cùng sinh năm 1921) Nguyễn Thiện Tơ và bóng hồng Hà Tiên - nay đã là bà Nguyễn Thiện Tơ và là mẹ của 5 con trai, 3 con gái - tại 22 Mai Hắc Đế. Hồi ấy, chàng và nàng đã phải "đánh dây thép" cho nhau tới 6 năm ròng. Cũng nhờ "Giáo đường in bóng" mà dần dà hai gia đình dần thông cảm cho chàng nàng, cho phép làm đám cưới năm 1944 tại nhà thờ Mỹ Dụ thuộc ngôi làng nhỏ ven thành Vinh.
Vừa chơi đàn vừa sáng tác
Sau sáng tác đầu tay nổi tiếng, Nguyễn Thiện Tơ vẫn vừa chơi đàn cho các dàn nhạc vừa sáng tác ca khúc. Nhiều sáng tác của ông được ấn hành như "Trên đường về", "Tiếng trúc bên sông", "Chiều quê", "Nhắn gió chiều"… Tôi còn nhớ y nguyên hồi ở Hải Phòng tạm bị chiếm, một chiều theo các chị tới chơi chùa Dư Hàng, bỗng chị cả hát khẽ: Chiều nay sớm về với xác thu đẫm u buồn/Cùng gió vàng với sương thu mờ buông/Ai có về nẻo xưa/Cho nhắn cùng người xa…
Không hiểu sao chỉ thoáng nghe vậy mà giai điệu đã nhập vào hồn, khiến nó cứ vương vấn trong lòng đứa bé ngây thơ trẻ dại là tôi. Vậy mà phải đến nửa thế kỷ sau, tôi mới đem chia sẻ niềm vấn vương xưa, khi đưa "Nhắn gió chiều" của Nguyễn Thiện Tơ và "Nhớ trăng huyền xưa" của Nguyễn Văn Quỳ vào một chương trình ca nhạc của Truyền hình Việt Nam. Cũng năm đó, dịp Giáng sinh, tôi lại đưa "Giáo đường in bóng" vào chương trình "Thanh ca" biểu diễn hai đêm tại rạp Hồng Hà (xưa là Olimpia) ở Đường Thành. Cũng nơi ấy, khi xưa "Giáo đường in bóng" cũng lần đầu tiên được vang lên.
Cũng như Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước, trong chiến tranh, Nguyễn Thiện Tơ ở lại Hà Nội dạy đàn, sáo và chơi trong dàn nhạc như đã từng là những nhạc công đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam hồi mới độc lập. Những nhạc phẩm của ông vẫn khiêm nhường xuất hiện qua ấn hành của Nhà Xuất bản Tinh Hoa như "Giấc mơ xưa" (lời Văn Khôi), "Nhạc đồng quê", "Trên đường về", "Khúc nhạc canh tân", "Đêm trăng xưa", "Chiều tà", "Qua bến năm xưa"… Trong những nhạc phẩm mà Nguyễn Thiện Tơ đã tặng cho tôi, còn có một tác phẩm nhạc không lời mang tên "Ngày vui đã qua" được ông viết từ năm 1940. Tác phẩm được viết ở nhịp 3/4 valse và ở cung mi thứ. Giai điệu cho thấy Nguyễn Thiện Tơ còn rất tinh tế trong tư duy khí nhạc. Nếu được nhạc sĩ hôm nay chuyển soạn cho dàn nhạc, sẽ có một tác phẩm hay.
Truyền tình yêu âm nhạc đến đời cháu
Có lẽ bởi có tư duy khí nhạc nên Nguyễn Thiện Tơ, sau ngày hòa bình ở miền Bắc, đã trở thành một trong những thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, sau đó là Dàn nhạc Xưởng phim truyện Việt Nam. Ông vẫn tiếp tục dạy đàn, sáo. Trong các học trò của ông, có nghệ sĩ Diệu Hồng là cây flute độc tấu vào hạng bậc nhất của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia hiện nay và đồng thời là con dâu ông. Diệu Hồng cùng chồng là nghệ sĩ clarinette Nguyễn Thiện Thắng trở nên những thành viên trụ cột của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia bằng tình yêu âm nhạc được bố Nguyễn Thiện Tơ truyền cho.
Không chỉ thế, ông còn truyền tình yêu mãnh liệt này đến đời cháu. Cháu Hồng Ánh (con gái của vợ chồng Nguyễn Thiện Thắng) giờ cũng là một cây flute ngồi cùng dàn nhạc với bố mẹ. Anh Nguyễn Vũ Hà (anh trai Nguyễn Thiện Thắng) một thời trong dàn nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ. Con trai anh, cháu Nguyễn Vũ Long cũng trở thành nghệ sĩ saxophone và clarinette.
Cứ thế, bằng tình yêu với người vợ thân thương và tình yêu âm nhạc, ông đã cùng bà dìu dắt các con các cháu dâng hiến cho âm nhạc bằng tình yêu dào dạt trong một cuộc sống thực rất tùng tiệm. Nỗi buồn sâu lắng trong lòng ông là sự ra đi về cõi vĩnh hằng của "Nàng Hà Tiên" đã vài năm trước, nỗi buồn như đã được ông dự đoán trước trong nhạc phẩm "Ngày vui đã qua".
Thầy của nhiều nhạc sĩ tên tuổi
Nguyễn Thiện Tơ là con trai một người thợ in nhưng lại mê hát trống quân và sống rất hào hoa phong nhã. Nếp sống và tình yêu âm nhạc của ông đã ảnh hưởng rất lớn tới cậu con trai. Ngay từ năm 10 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ đã tìm đến thầy Trần Đình Khuê học guitar Hawaiian. Điều kỳ lạ là chỉ ba tháng sau, trò đã được thầy cho trình diễn cùng trên đài phát thanh Philippines. Sau đó ông lại học guitar Espagnol của người thầy Pháp và bắt đầu tham gia dàn nhạc phòng trà. Trong nhóm Myosotic, có lẽ Nguyễn Thiện Tơ là người ít tuổi nhất, tuy ông là người dạy đàn rất sớm. Các nhạc sĩ như Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Quỳ, Đoàn Chuẩn, Đỗ Liên… đều bắt đầu học chơi đàn từ Nguyễn Thiện Tơ.
Nguyễn Thụy Kha
Ở Hà Nội, tại số nhà 22 Mai Hắc Đế (khi xưa là phố Charron), bao quanh là những cửa hàng hoa tươi, cửa hàng thời trang và những nhà hàng đặc sản, có một người nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu Tân nhạc vẫn sống lặng lẽ trong căn buồng nhỏ với đầy hồi ức của một thời in bóng. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ nổi tiếng với ca khúc "Giáo đường in bóng" (thơ: Phi Tâm Yến) được mọi thế hệ yêu chuộng.
Kết quả của mối tình đầu
Nguyễn Thiện Tơ quê ở Thanh Oai - Hà Đông (nay là Hà Nội) nhưng sinh ra ngay tại căn nhà 22 Mai Hắc Đế, Hà Nội năm 1921. Ông là một trong rất ít các nhạc sĩ Tiền chiến còn minh mẫn, khỏe khoắn ở tuổi 97.
Vào kỳ nghỉ hè 1938 của Trường Thăng Long mà Nguyễn Thiện Tơ là học sinh, ông được mời xuống Nam Định tham gia biểu diễn guitar trong buổi từ thiện. Trong khoảnh khắc ấy, tâm hồn chàng trai 17 tuổi chợt xao xuyến khi bắt gặp vẻ đẹp của nàng thiếu nữ tên là Hà Tiên cũng đến tham gia hát. Nhưng khi biết nàng là người theo đạo Thiên chúa, thì chàng vô cùng thất vọng trong tâm trạng là kẻ ngoại đạo. Nhưng điều trớ trêu là nàng cũng nhiều cảm tình với chàng. Bởi thế mà chàng đã viết ra bài hát "Giáo đường in bóng" với lời lẽ mộc mạc, sau được nhà thơ Phi Tâm Yến hoàn chỉnh ca từ và phổ biến rộng rãi.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và vợ Ảnh: Tư Liệu
Mối tình đầu và là mối tình duy nhất của chàng và nàng đã phải vượt qua nhiều năm tháng khó khăn trong quan niệm lương giáo của hai gia đình. Chàng về lại Hà Nội, muốn nói gì với nàng thì phải ra Bưu điện Bờ Hồ đánh điện tín (xưa quen gọi là đánh dây thép) cho nàng. Đầu tiên là đánh xuống Nam Định, sau khi gia đình nàng vào Vinh thì đánh vào Vinh. Thời ấy, tìm được một thiếu nữ xinh đẹp và hát hay quả là hiếm hoi. Nhạc sĩ Lê Thương khi còn ở Nam Định cũng đã thầm yêu nàng. Mối tâm sự đơn phương ấy, sau này được ông gửi vào bài hát "Nàng Hà Tiên". Còn nhạc sĩ Phạm Duy trên đường hành phương Nam cùng gánh hát, khi tới Vinh gặp nàng, cũng thầm yêu trộm nhớ.
Mùa xuân 2000, khi Phạm Duy về Hà Nội, người viết bài này đã đưa Phạm Duy tới thăm bạn đồng niên (cùng sinh năm 1921) Nguyễn Thiện Tơ và bóng hồng Hà Tiên - nay đã là bà Nguyễn Thiện Tơ và là mẹ của 5 con trai, 3 con gái - tại 22 Mai Hắc Đế. Hồi ấy, chàng và nàng đã phải "đánh dây thép" cho nhau tới 6 năm ròng. Cũng nhờ "Giáo đường in bóng" mà dần dà hai gia đình dần thông cảm cho chàng nàng, cho phép làm đám cưới năm 1944 tại nhà thờ Mỹ Dụ thuộc ngôi làng nhỏ ven thành Vinh.
Vừa chơi đàn vừa sáng tác
Sau sáng tác đầu tay nổi tiếng, Nguyễn Thiện Tơ vẫn vừa chơi đàn cho các dàn nhạc vừa sáng tác ca khúc. Nhiều sáng tác của ông được ấn hành như "Trên đường về", "Tiếng trúc bên sông", "Chiều quê", "Nhắn gió chiều"… Tôi còn nhớ y nguyên hồi ở Hải Phòng tạm bị chiếm, một chiều theo các chị tới chơi chùa Dư Hàng, bỗng chị cả hát khẽ: Chiều nay sớm về với xác thu đẫm u buồn/Cùng gió vàng với sương thu mờ buông/Ai có về nẻo xưa/Cho nhắn cùng người xa…
Không hiểu sao chỉ thoáng nghe vậy mà giai điệu đã nhập vào hồn, khiến nó cứ vương vấn trong lòng đứa bé ngây thơ trẻ dại là tôi. Vậy mà phải đến nửa thế kỷ sau, tôi mới đem chia sẻ niềm vấn vương xưa, khi đưa "Nhắn gió chiều" của Nguyễn Thiện Tơ và "Nhớ trăng huyền xưa" của Nguyễn Văn Quỳ vào một chương trình ca nhạc của Truyền hình Việt Nam. Cũng năm đó, dịp Giáng sinh, tôi lại đưa "Giáo đường in bóng" vào chương trình "Thanh ca" biểu diễn hai đêm tại rạp Hồng Hà (xưa là Olimpia) ở Đường Thành. Cũng nơi ấy, khi xưa "Giáo đường in bóng" cũng lần đầu tiên được vang lên.
Cũng như Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước, trong chiến tranh, Nguyễn Thiện Tơ ở lại Hà Nội dạy đàn, sáo và chơi trong dàn nhạc như đã từng là những nhạc công đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam hồi mới độc lập. Những nhạc phẩm của ông vẫn khiêm nhường xuất hiện qua ấn hành của Nhà Xuất bản Tinh Hoa như "Giấc mơ xưa" (lời Văn Khôi), "Nhạc đồng quê", "Trên đường về", "Khúc nhạc canh tân", "Đêm trăng xưa", "Chiều tà", "Qua bến năm xưa"… Trong những nhạc phẩm mà Nguyễn Thiện Tơ đã tặng cho tôi, còn có một tác phẩm nhạc không lời mang tên "Ngày vui đã qua" được ông viết từ năm 1940. Tác phẩm được viết ở nhịp 3/4 valse và ở cung mi thứ. Giai điệu cho thấy Nguyễn Thiện Tơ còn rất tinh tế trong tư duy khí nhạc. Nếu được nhạc sĩ hôm nay chuyển soạn cho dàn nhạc, sẽ có một tác phẩm hay.
Truyền tình yêu âm nhạc đến đời cháu
Có lẽ bởi có tư duy khí nhạc nên Nguyễn Thiện Tơ, sau ngày hòa bình ở miền Bắc, đã trở thành một trong những thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, sau đó là Dàn nhạc Xưởng phim truyện Việt Nam. Ông vẫn tiếp tục dạy đàn, sáo. Trong các học trò của ông, có nghệ sĩ Diệu Hồng là cây flute độc tấu vào hạng bậc nhất của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia hiện nay và đồng thời là con dâu ông. Diệu Hồng cùng chồng là nghệ sĩ clarinette Nguyễn Thiện Thắng trở nên những thành viên trụ cột của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia bằng tình yêu âm nhạc được bố Nguyễn Thiện Tơ truyền cho.
Không chỉ thế, ông còn truyền tình yêu mãnh liệt này đến đời cháu. Cháu Hồng Ánh (con gái của vợ chồng Nguyễn Thiện Thắng) giờ cũng là một cây flute ngồi cùng dàn nhạc với bố mẹ. Anh Nguyễn Vũ Hà (anh trai Nguyễn Thiện Thắng) một thời trong dàn nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ. Con trai anh, cháu Nguyễn Vũ Long cũng trở thành nghệ sĩ saxophone và clarinette.
Cứ thế, bằng tình yêu với người vợ thân thương và tình yêu âm nhạc, ông đã cùng bà dìu dắt các con các cháu dâng hiến cho âm nhạc bằng tình yêu dào dạt trong một cuộc sống thực rất tùng tiệm. Nỗi buồn sâu lắng trong lòng ông là sự ra đi về cõi vĩnh hằng của "Nàng Hà Tiên" đã vài năm trước, nỗi buồn như đã được ông dự đoán trước trong nhạc phẩm "Ngày vui đã qua".
Thầy của nhiều nhạc sĩ tên tuổi
Nguyễn Thiện Tơ là con trai một người thợ in nhưng lại mê hát trống quân và sống rất hào hoa phong nhã. Nếp sống và tình yêu âm nhạc của ông đã ảnh hưởng rất lớn tới cậu con trai. Ngay từ năm 10 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ đã tìm đến thầy Trần Đình Khuê học guitar Hawaiian. Điều kỳ lạ là chỉ ba tháng sau, trò đã được thầy cho trình diễn cùng trên đài phát thanh Philippines. Sau đó ông lại học guitar Espagnol của người thầy Pháp và bắt đầu tham gia dàn nhạc phòng trà. Trong nhóm Myosotic, có lẽ Nguyễn Thiện Tơ là người ít tuổi nhất, tuy ông là người dạy đàn rất sớm. Các nhạc sĩ như Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Quỳ, Đoàn Chuẩn, Đỗ Liên… đều bắt đầu học chơi đàn từ Nguyễn Thiện Tơ.
Nguyễn Thụy Kha