Header Ads

Header Ads

Nhạc chính trị thập niên 1980

Năm năm sau 1975, những nhóm đàn hát được hình thành trở lại trong phong trào ca khúc chính trị. Rạng Đông được xem là nhóm ca khúc chính trị đầu tiên của TP.HCM được thành lập năm 1980. 

Cổ vũ lối sống mới

Nhóm ca khúc chính trị (CKCT) là mô hình nhóm đàn - hát phổ biến ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu, như một ban nhạc biên chế nhỏ, có thể tự sáng tác (ngày ấy gọi là “tự biên”) và tự trình bày (gọi là “tự diễn”). Nội dung ca khúc là cổ vũ lối sống mới, hưởng ứng các phong trào thanh niên hoặc xã hội, góp tiếng vào các phong trào đấu tranh chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa. Phong trào CKCT của TP.HCM cũng đi theo khuynh hướng nội dung các bài hát thể hiện phải có chất thời sự, chính trị cùng ngợi ca tình yêu cuộc sống.

https://image.thanhnien.vn/665/uploaded/ngocthanh/2017_10_29/ckct_loct.jpg

Nhiều ca khúc nổi tiếng vào thập niên 1980

Những CKCT yêu thích lúc đó gồm: Không được đụng đến VN, Ngày mai anh lên đường, Hãy hát cùng chúng tôi, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Bài ca tạm biệt, Đợi anh về…

Trước nhu cầu “khát” ca khúc của phong trào CKCT, CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn (TP.HCM) chính là nguồn cung cấp những sáng tác mới. Một loạt sáng tác của các nhạc sĩ thuộc CLB được công chúng tiếp nhận như: Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện), Những lời em hát (Từ Huy), Gởi lại em (Vũ Hoàng), Em như tia nắng mặt trời (Nguyễn Đức Trung), Này người yêu nhỏ xinh (Nguyễn Ngọc Thiện), Tuổi trẻ và ước vọng (Vy Nhật Tảo)…

Tháng 7.1979, Họa Mi, Kim Phương, Sỹ Thanh, Trần Văn Phú (TP.HCM) được chọn tham dự Liên hoan CKCT tại Alma Ata (Liên Xô) và Mạnh Hà, Lê Dung, Vân Mai, Ngọc Thắng (Hà Nội) tham gia Đại hội Liên hoan CKCT của hơn 40 nước tổ chức tại Berlin (CHDC Đức) ngày 10.2.1979.

Phải nói CKCT là loại hình biểu diễn âm nhạc khá mới mẻ mà VN nói chung và TP.HCM nói riêng không thể tách rời khỏi xu hướng chung của giới trẻ thế giới, nên Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng Bộ Văn hóa - Thông tin đã phát động phong trào CKCT khắp cả nước.

Nhóm Rạng Đông được Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM thành lập theo yêu cầu tham gia Liên hoan CKCT tại CHDC Đức (cũ) vào tháng 9.1980. Nhóm gồm Cẩm Vân, Chí Hùng (organ của ban The Black Sun cũ, là công nhân của Sở Quản lý phân phối điện), Hồng Danh, Sĩ Thanh, Bạch Lý, Thanh Long (ban The Blue Jets). Trước khi nhóm CKCT này ra đời, năm 1978, tuổi trẻ thành phố đã bị hút hồn bởi nhóm CKCT Lứa tuổi 49 của CHDC Đức (cũ) đến VN trình diễn trong đó có bài hát rất ấn tượng Bài ca Hồ Chí Minh với điệp khúc: “Hồ! Hồ! Hồ Chí Minh!”. Sau đó nhóm nhạc nữ 30 Tháng 4 được hình thành dự Liên hoan các nhóm CKCT tại Bulgaria gồm Kim Phương, Cẩm Vân, Kim Yến, Bạch Lý, Thúy Quang (chơi organ). Khi về nước nhóm 30 Tháng 4 còn thắng lợi hơn vì sự cổ vũ nhiệt tình của giới trẻ. Ban nhạc này được yêu cầu biểu diễn nhiều nơi.

Phong trào CKCT phát triển mạnh

Báo chí thời đó từng nhận xét: “Sau 30.4.1975 hoạt động của những ban nhạc trẻ tạm lắng ít lâu rồi dần dần sống lại với sự thay đổi về hình thức và nội dung. Các ban chơi trong phong trào văn nghệ quần chúng. Năm 1980 có khoảng 400 nhóm ở phường xã và gần 300 nhóm ở các xí nghiệp. Chúng ta gặp lại các ban The Peanuts và rất nhiều bạn chơi guitar, organ, trống của các ban nhạc trẻ cũ đang hoạt động trong các nhóm nhạc, với mục đích phục vụ hoàn toàn thay đổi”.

Nhiều ban CKCT khác nhau về tên tuổi ca sĩ và những bản nhạc tự biên, tự diễn nhưng tựu trung đều giống nhau về hình thức cấu tạo của một ban nhạc trẻ trước đây gồm ca sĩ (nam hoặc nữ), hai nhạc công sử dụng hai đàn guitar (lead và bass), một nhạc công sử dụng organ, và một nhạc công chơi trống. Các nhạc công biết hát càng tốt. Mỗi ban nhạc có thể hát những bản nhạc nổi tiếng đang thịnh hành và những bản nhạc tự sáng tác của từng ban để có nét riêng. Xem thêm:
Nhà Nghệ thuật quần chúng liền nhanh tay tổ chức liên hoan các nhóm CKCT để chọn những anh tài đi tham dự Liên hoan CKCT toàn quốc tại Hà Nội năm 1980. Trong liên hoan này những ban nhạc lấy được vị thế bằng tài năng như nhóm nữ Xí nghiệp dệt số 8, Phong Lan Trắng, Sao Sáng, Hải Âu, Mây Trắng, Lướt Sóng, Mê Kông, Nắng Hồng, Đại Dương, nhóm nữ Sinco với Hồng Hạnh, nhóm Thanh niên xung phong của Nguyễn Đức Trung, Thúy Hồng, Ngọc Bích…, nhóm ca khúc Đại học Tổng hợp của Hoàng Cao, nhóm Ca nhạc dân tộc Phù Sa với Ngọc Yến, Văn Tài, Ngọc Điệp…

Tại Liên hoan CKCT toàn quốc, TP.HCM chiếm nhiều huy chương vàng nhất, trong đó nhóm nữ Xí nghiệp dệt số 8 với giọng hát của bốn cô gái và tay trống nữ Tường Vân đã được khen ngợi hết lời. Tường Vân chính là tay trống ngày xưa của The Blue Stars.

Thời kỳ đó, các nhóm CKCT không chỉ bó hẹp biểu diễn tại các cơ quan, xí nghiệp. Khi các tụ điểm ca nhạc bung ra, luôn có nhiều nhóm CKCT thay phiên nhau biểu diễn hằng đêm và mỗi tụ điểm có một nhóm CKCT tên tuổi đứng “bảo kê” như: Quốc Dũng là của sân khấu Kỳ Hòa (Q.10); còn các tụ điểm 126 (đường Cách Mạng Tháng Tám), Phú Thọ (đường Ba Tháng Hai) hay Tao Đàn, CLB Lao động (tên cũ của Cung văn hóa Lao động TP.HCM)... là nơi biểu diễn của hàng loạt nhóm CKCT như Mây Trắng, Cửu Long nữ, Sinco nam, Hy Vọng, Dây Leo Xanh, Sao Sáng, Rạng Đông, Mê Kông, Bách Việt…

Một bài viết đã nhận xét như sau: “Mười năm CKCT là mười năm đặc biệt nhất trong lịch sử nhạc trẻ Việt. Nó làm nên, không chỉ một màu sắc riêng, độc đáo, không hề có ở các nước tư bản, mà còn khơi mào và đặt nền móng cho cả một giai đoạn phát triển tiếp nối, tức giai đoạn thị trường hóa.

Các nhạc sĩ trưởng thành sau năm 1975 đều sáng tác nhạc cho nhóm CKCT: Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Đức Trung, Vũ Hoàng, Lê Văn Lộc, Nguyễn Văn Sanh, Thế Hiển, Vy Nhật Tảo…

Nhiều tay đàn, tay trống sừng sỏ của Sài Gòn cũng chỉ hành nghề trong môi trường CKCT: Mạnh Tuấn, Huỳnh Hiệp, Lý Được, Thanh Long, Hùng Tao Đàn, Bảo Chấn, Bạch Lý, Mỹ Linh, Huỳnh Háo, Cao Đức, Vũ Văn Tuyên, Trần Tài, Quốc Dũng, Tùng Châu, Sỹ Đan... Các ca sĩ ngày hôm nay vẫn còn nguyên danh tiếng hoặc nổi lên ở giai đoạn thị trường hóa âm nhạc (1985 trở đi) đều có thời gắn bó với CKCT như: Cẩm Vân, Lệ Thu, Trang Thanh Lan, Lâm Xuân, Bảo Yến, Nhã Phương, Kim Yến, Ngọc Yến, Hồng Vân, Ngọc Điệp, Trang Kim Yến, Chung Tử Lưu, Nguyễn Hưng, Thái Châu…”.

Có thể nói, phong trào CKCT - về mặt kỹ thuật, hình thức - là gạch nối giữa phong trào nhạc trẻ trước 1975 và nhạc rock sau này.