Header Ads

Header Ads

Lão Jazz Quyền Văn Minh nửa thế kỷ lụy tình



Cùng một cây kèn saxophone, nhưng nếu như ở Trần Mạnh Tuấn là sự nhũn nhặn và cái mềm của nước, thì ở người thầy của anh - NSƯT Quyền Văn Minh, lại là vẻ oai phong đường bệ và độ “chì” của đá. Là thần thái và khẩu khí khác người của một người suốt 50 năm đắm đuối theo đuổi Jazz.

Đêm nhạc để đời của “vị thuyền trưởng con thuyền jazz Việt”, tối 27.10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Quyền Văn Minh xuất hiện đường bệ trên sân khấu cùng cây kèn saxophone quen thuộc, nhưng chỉ chơi 3/20 tác phẩm, còn nữa là các thế hệ học trò mà ông đã dày công vun xới trong suốt 50 năm qua, gồm các nghệ sĩ jazz kỳ cựu đến lớp nghệ sĩ đương đại và cả lớp tài năng nhí, cùng dàn Big Band lên tới 50 cây kèn.

Khác với các đêm nhạc trước đó, lần này, ông không muốn coi mình cùng hành trình 50 năm nung lửa của mình là tâm điểm nữa, mà là chặng đường 20 năm thắp lửa của CLB Jazz Bình Minh. “Jazz Việt đã và sẽ được viết tiếp bằng các gạch nối thế hệ theo kiểu “tre già măng mọc” chứ không thể chỉ là một vài cái tên nổi lên trên bề mặt.

Đêm nhạc lần này vì thế muốn tả lại những “phiên đổi gác”, một cuộc chuyển giao thế hệ, hơn là để tôn vinh cá nhân...” - “Lão Jazz” chia sẻ. Dù cá nhân đó hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh, sau suốt nửa thế kỷ hiến mình cho Jazz Việt và có những lúc đã là người lữ hành đơn độc, thiếu nước “ngửa cổ kêu trời”.

Trong suốt 20 năm qua, CLB Jazz Bình Minh từng phải trải qua 6 lần di dời địa điểm, trong đó có 2 lần cháy nhà, khiến cho “bang chủ” xất bất xang bang. “Thôi thì, coi như mình là cái thằng chơi ôtô đi, đã 6 lần đổi xe, và may mắn là tận đến giờ vẫn... đổ được xăng để chạy, như đã từng, suốt 20 năm qua...” - Vẻ mặt quắc thước lẫm liệt, ông Minh cười lớn.

Nung nấu của “vị thuyền trưởng” suốt hàng bao năm qua và từng giúp ông đi tới quyết định nhanh chóng kia là khao khát mãnh liệt làm sao đưa được con thuyền Jazz Việt đang chòng chành sóng gió tới được và neo được vào bến bãi của riêng mình, giữa một đời sống âm nhạc lắm lúc phần nhìn lấn át phần nghe, chiêu trò thị hiếu ngồi xổm lên mỹ cảm.

Cùng với việc thành lập CLB Jazz Bình Minh - đến lúc này vẫn kiên gan duy trì lịch diễn đều đặn mỗi tuần một tối tại sân khấu nhỏ ẩn sau Nhà hát Lớn Hà Nội (thuê của NH Kịch Việt Nam), là hai quyết định dấn thân khác.

Một, là đầu tư cho cậu con trai duy nhất Quyền Thiện Đắc đi học saxophone tại một trong những “thánh đường của âm nhạc”: Trường nhạc Berklee (Mỹ), để trổ thêm một cánh cửa nhìn ra bên ngoài cho ngôi nhà Jazz Việt.

Hai, là khai mở, thành lập bộ môn Saxophone tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào năm 1989. Từng mày mò tự học saxophone (trước đó là chơi guitar), kể từ lúc gặp phải “tình yêu sét đánh” với Jazz năm 14 tuổi, rồi trở thành người đầu tiên đưa Jazz về Việt Nam, hơn ai hết, ông Minh quá hiểu ý nghĩa của việc tạo ra một sân chơi như Bình Minh Jazz Club và một lò luyện riêng cho saxophone tại một cái nôi đào tạo chuyên nghiệp như Nhạc viện.

“Cuối cùng thì những việc tôi làm trong suốt 50 năm qua không gì khác là nhằm giúp tạo ra thói quen thưởng thức nơi công chúng, cho một thể loại được cho là kén người nghe ở Việt Nam nhưng vô cùng đáng nghe.

Dù vẫn biết để thay đổi thói quen thưởng thức ở công chúng Việt là vô cùng khó, có khi phải mất tới hàng chục năm, nhưng cũng mừng là giờ đây, khán giả trẻ đã tìm đến jazz nhiều hơn, trước một thứ Jazz Việt đã bắt đầu có được bản sắc; thay vì chủ yếu là khách Tây với “món Jazz nhập khẩu nguyên con” như trước. Xem thêm:
Hẳn là khi đời sống âm nhạc đã trở nên bão hòa với những món quen, đến một lúc nào đó, người ta sẽ cần món lạ, mà mình từng trót bỏ qua, từng hờ hững và lẽ ra đã phải thuộc về nhau từ lâu...”, ông Minh trầm ngâm bên ly cà phê mù khói.

“Ít ai biết, tôi từng được tiếp lửa để chí chết với Jazz, cả những khi tưởng chừng như sắp bị đá văng khỏi quỹ đạo, chính là từ một ước nguyện giản dị mà sâu sắc của mẹ tôi. Bởi cho tận đến cuối đời, bà cũng chỉ muốn được nhìn thấy tôi chơi kèn tại Hà Nội, để bà có thể đi xem”.

Tới lúc truyền lửa cho cậu “con trai một” Quyền Thiện Đắc, ông Minh cũng học được từ mẹ ông cách nhen lửa ấy. Cầm tấm bằng danh giá của Berklee, Quyền Thiện Đắc từng có lúc toan tặc lưỡi, ở lại làm nhạc công cho Thúy Nga Paris, chơi một thứ nhạc “chả liên quan”.

Tới nước đó thì “nhà đầu tư” bèn gằn giọng: “Trừ khi anh tìm được một chân đứng lớp ở... Berklee, hoặc một chân chơi nhạc ở... New Orleans - thánh địa nhạc Jazz, thì anh không cần về nước, cũng không cần hỏi ý kiến bố anh”.

Tới lúc về nước, lại cũng có lúc chênh chao dao động, lại định có thêm những cú tặc lưỡi khác. Nhưng đừng có mà hòng được với “lão Jazz”. “Nếu đệm cho ca sĩ hạng C mà gọi đó là nghệ thuật thì từ giờ anh đừng gọi tôi là bố” - “hổ phụ” gầm lên với “hổ tử”. Một tiếng gầm, may thay, tới giờ đã không còn đơn độc! thủy nguyên