Header Ads

Header Ads

Đam mê và Những thăng trầm của Jazz tại Sài Gòn

Người mê và học nhạc jazz ở TPHCM không ít, nhưng tất cả đều đối diện với một câu chuyện: “không có sân chơi” và thứ âm nhạc phổ biến ở nhiều nước trên thế giới lại không có nhiều đất sống ở một trung tâm văn hóa mở như TPHCM.


Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn giữa vòng vây khán giả ngoại tại Jazz Club.

Nghệ sĩ trồng cây cảnh

Cách đây mấy năm, khách nghe nhạc tới Yoko bar ở quận 3 vẫn thường được xem ban nhạc jazz to jazz, một ban nhạc trẻ có thể nói là tiềm năng nhất của nhạc jazz Sài Gòn với những nghệ sĩ trẻ như Duy chơi guitar, Quân chơi organ, Phong chơi trống… Chàng trai gốc Huế chơi organ từng tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác tại nhạc viện còn Phong là tay trống hàng đầu, được xem là “của hiếm”. Trong khi các ban nhạc rock chỉ chơi lại những tác phẩm nổi tiếng nhưng đông nghẹt khách, thì những đêm nhạc ngẫu hứng sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ lại đìu hiu vắng vẻ đầu tuần.

Xem thêm:
Tôi vẫn thu xếp thời gian đến xem để cổ vũ cho các nghệ sĩ trẻ, mỗi buổi diễn như vậy chỉ lèo tèo dăm bảy khách. Một hôm, Duy đưa cho tôi xem một cái cần đàn và thùng đàn còn dở dang, bảo: “Ở Việt Nam, nhạc cụ chơi nhạc jazz hiếm và đắt. Em phải tự thuê thợ mộc để làm đàn cho chính mình”. Một người thợ làm đàn kể rằng: “Duy đã phá bỏ một chiếc tủ hay chiếc bàn cổ gì đó của gia đình để lấy gỗ quý làm đàn guitar chơi nhạc jazz”. Duy được xem như một tay “nghiện” nhạc jazz số 1 của xứ sở này.

Ấy vậy mà đã lâu người ta không còn thấy ban nhạc jazz to jazz đâu nữa. Hằng tuần tôi vẫn thấy Quân organ chơi nhạc trên ti vi, trong chương trình The Voice phiên bản Việt Nam và ở chương trình ấy cũng hiếm khi chơi nhạc jazz. Một lần gặp Duy, chàng trai gầy nhỏ đã từng tặng tôi một cuốn sách với hàng trăm bài kinh điển tiết lộ: “Em phải đánh đủ loại nhạc khác, thấy chán. Bây giờ em sống bằng nghề trồng cây cảnh”. Bạn bè nói với tài khéo tay và đam mê của mình, Duy bán được nhiều cây cảnh và có cuộc sống rất ổn với nghề trồng cây của mình. Song, có lẽ Duy đã dừng bước chân phiêu lãng của mình trong địa hạt nhạc jazz mà mình mới đi những bước đầu tiên.

Chào thua Bolero!

Thúy - chủ quán nhạc Le Petit, một trong những tụ điểm nhạc jazz khá sôi nổi theo phong cách Pháp. Nó đáng yêu tới mức nhiều bạn trẻ từng làm thơ về quán. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, Thúy làm quán vì yêu âm nhạc.

Quán của cô thu hút những nghệ sĩ hàng đầu như ca sĩ Tuyết Loan hay nghệ sĩ Piano Hiếu “râu”. Chẳng bao lâu, cô cũng phải chia tay với nhạc jazz. Khách vắng và các nghệ sĩ cũng khá nhiều việc nên không thể quần tụ mãi được. Cô Thúy sau đó vẫn tiếp tục mở quán nhạc, phục vụ nhạc Bolero với sự hỗ trợ của nhạc sĩ Đài Phương Trang. Những buổi trò chuyện và hướng dẫn nhạc Bolero của nhạc sĩ Đài Phương Trang thậm chí còn thu hút đông thành viên hơn những đêm nhạc!

Tôi vẫn ấn tượng những buổi diễn ấm cúng của Le Petit ở đường Tú Xương, nhớ nhất là anh bạn Tuấn Anh chơi Cello. Tuấn Anh học rất căn bản tại nhạc Viện, sáng tác khá hay, điều “gàn” nhất của anh chàng này là chỉ thích dùng Cello để “phiêu” nhạc jazz. Chắc chắn việc chơi ngẫu hứng bằng Cello là chuyện không hề dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều công sức luyện tập.

Một hôm, cô Thúy chủ quán đi làm về khuya và bị tai nạn giao thong. Chiếc xe máy cổ màu đen bị tông một cú trời giáng còn cô chủ nhỏ kiêm ca sĩ một phen thừa sống thiếu chết. Tai nạn lúc nửa đêm giữa thời cướp giật hoành hành, Thúy đã đóng cửa quán để tìm đường ra phía ngoại ô. Cũng từ đó, tôi không lần nào gặp lại Tuấn Anh Cello nữa.

Đốt đuốc tìm sân chơi

Dũng Classic từng làm quản lý bar ở phố Tây, học guitar ở nhạc viện và hiện có hàng trăm học viên guitar tại cơ sở ở đường Mai Văn Vĩnh, quận 7 nói: “Đối với người Việt Nam thì nhạc jazz là một thứ âm nhạc quá cao cấp. Người ta nghĩ rằng nhạc jazz chỉ là nhạc dành cho Tây!”. Bản thân Dũng, xuất thân từ một gia đình có bố là nhạc sĩ ở Tây Nguyên, cũng quyết định đẩy mạnh giảng dạy âm nhạc Bolero thay vì chỉ dạy nhạc cổ điển. Từ đó cơ sở của anh trở nên rất đông đúc, vui nhộn.

Quán nhạc jazz duy nhất còn hoạt động hàng đêm là Jazz Club của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, quả có khoảng 80% du khách là người nước ngoài. Phóng viên vừa tới thăm quán của anh và thấy quán bị công trình xây dựng tàu điện ngầm choán gần hết lối đi. Một nhóm sinh viên trẻ từ Mỹ sang vẫn len lỏi giữa công trường thế kỷ để tìm tới Jazz Club nghe nhạc. Có lẽ, việc tới Việt Nam để nghe nghệ sĩ saxo Trần Mạnh Tuấn chơi đã là một phần trong kế hoạch du lịch của họ.

Song một chiều kích khác, đa số người Việt Nam biết đến Trần Mạnh Tuấn với những bài kèn thổi nhạc Trịnh Công Sơn, Phú Quang… hơn là một nghệ sĩ nhạc jazz. Thậm chí, người ta thường gọi anh với biệt danh “Tuấn về quê” vì anh thổi rất hay bài nhạc quê hương “Về quê” của Phó Đức Phương.

Anh Trần Mạnh Tuấn nói: “Một nghệ sĩ jazz đích thực là một nhà soạn nhạc, một tác giả. Dựa trên một chủ đề nào đó, người nghệ sĩ sẽ thể hiện những khúc ngẫu hứng, đó cũng chính là sáng tác của họ. Tuy vậy, rất ít người nhìn nhận khía cạnh sáng tạo và tư cách nhạc sĩ của nghệ sĩ jazz, chỉ nghĩ rằng là những nhạc công đệm cho ca sĩ hát trên những bản tổng phổ đã soạn sẵn. Thật thiệt thòi cho nghệ sĩ nhạc jazz ở Việt Nam”.

Nghệ sĩ khiếm thị organ Quốc Đạt (bìa trái) chơi nhạc jazz tại quận 1 TPHCM với các nghệ sĩ nước ngoài. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Đam mê đến bao giờ

Cộng đồng người mê nhạc jazz ở TPHCM có lẽ không phải là ít. Hầu hết các nghệ sĩ, các nhạc công đều từng tập và tự tập về nhạc ngẫu hứng. Nghệ nhân guitar trẻ Nguyễn Hoàn kể: “Đàn guitar để chơi nhạc jazz không rẻ, mua về nhiều khi chỉ để chưng vì ít người chơi, ít biểu diễn. Nhưng, hễ có cây đàn nào từ nước ngoài về thì lập tức vẫn có người cắn răng để mua, mặc dù biết mua rồi, bán lại chắc chắn là lỗ”.

Những quán nghe nhạc chất lượng cao, sử dụng đĩa than hay âm thanh Hi-end tôn vinh âm thanh mộc vẫn đa số sử dụng các chương trình thu âm nhạc jazz chứ không phải âm nhạc điện tử. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng cho biết: “Khi làm các sự kiện event, người ta chấp nhận diễn nhạc jazz thoải mái. Mình muốn chơi nhạc gì thì chơi”. Các sự kiện lớn ở thành phố ngày càng có nhiều người ngoại quốc tham dự. Nghệ sĩ khéo “tuồn” các tác phẩm biểu diễn ngẫu hứng vào event đã được chấp nhận.

Nghệ sĩ Lê Duy hiện giảng dạy ở Nhạc viện TPHCM nói: “Ở các nước, việc dạy nhạc jazz rất phổ biến trong các trường nhạc, trên nền tảng lý thuyết, sinh viên mới tiếp cận các dòng âm nhạc khác. Còn tại TPHCM, chúng tôi mới chỉ xây dựng được hệ đào tạo guitar nhạc jazz những khóa đầu tiên, các em chưa tốt nghiệp”.

Trong những tín đồ của dòng âm nhạc ngẫu hứng không thể không kể đến nghệ sĩ khiếm thị Quốc Đạt. Người nghệ sĩ đam mê dành không biết bao nhiêu thời gian tập tành mỗi ngày để không nhìn thấy phím đàn mà chơi nhanh hơn cả người nhìn thấy bàn phím.

Quốc Đạt hiện chơi nhạc jazz cho một quán bar vào chiều Chủ Nhật hàng tuần tại quận 1. Tôi tới gặp Quốc Đạt lúc giải lao và hai anh em cùng cà phê với nhau.

Quốc Đạt hỏi tôi: “Em nghe ồn ào, chắc quán đông khách lắm phải không anh?”. Tôi nhìn quanh và vui vẻ bảo: “Đúng vậy. Quán đang đông nghẹt”. Tôi bảo thêm: “Có điều, trừ hai anh em mình ra thì khách và những người mới chơi nhạc cùng em đó, tất cả đều là người nước ngoài!”. Đạt trầm ngâm: “Vâng, nhạc jazz lâu nay vẫn cảnh thế thôi”.

“Đối với người Việt Nam thì nhạc jazz là một thứ âm nhạc quá cao cấp. Người ta nghĩ rằng nhạc jazz chỉ là nhạc dành cho Tây!”. Dũng Classic

Nghệ sĩ Lê Duy, giảng viên nhạc jazz tại nhạc Viện TPHCM nhận xét: “Để nghe và để chơi nhạc jazz, người nghe cũng cần phải có sự hiểu biết nhất định về loại nhạc nay. Đây là dòng nhạc mà người nghệ sĩ biểu diễn solo rất nhiều, thể hiện những cá tính cá nhân rất cao của nghệ sĩ. Người nghe nhạc jazz ở châu Á nói chung vẫn còn chưa nhiều, ngay cả khi tôi giảng dạy tại Nhật Bản thì thấy người Nhật cũng không dành sự quan tâm cho nhạc jazz như các dòng nhạc khác. Song, nếu so với các nước khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung thì những người theo đuổi và đam mê nhạc jazz tại Việt Nam là quá ít ỏi và đây cũng là lý do mà nhiều nghệ sĩ nhạc Jazz tầm cỡ thế giới khi tới lưu diễn ở nhiều nước Đông Nam Á đã không tới Việt Nam”.