Tài tử đờn Nguyễn Văn Châu - Nhịp cầu nối tình yêu di sản
Tài tử đờn Nguyễn Văn Châu (Thanh Châu) đến với đờn ca tài tử (ĐCTT) từ khi còn rất nhỏ. Tình yêu đối với loại hình nghệ thuật diễn xướng này đã được nhóm lên trong ông từ những tháng ngày ấu thơ bên tiếng đàn điêu luyện của cha. Thân phụ ông là cụ Nguyễn Văn Tiên (sinh năm 1918, đã mất) vốn là một nghệ nhân có tiếng trong giới tài tử ở ấp Bình Đông, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam với khả năng sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ của dàn nhạc tài tử như: đờn kìm, đờn cò, đờn gáo, guitar phím lõm…
9 tuổi đã theo nghiệp cha
Theo cha sinh hoạt ĐCTT từ lúc 9, 10 tuổi, đến 15 tuổi, Thanh Châu đã thuộc, biết đờn một số bài bản với guitar phím lõm, đờn kìm, sến. Lớn hơn một chút, ông theo thọ giáo thầy Ba Quang (Phạm Minh Quang) về kỹ năng đờn kìm. Đến năm 1976, thì bắt đầu tham gia tích cực hoạt động ĐCTT ở địa phương. Ông là thành viên nòng cốt của Đội văn nghệ xã Cẩm Sơn, chịu trách nhiệm dàn đờn cổ nhạc.
Tài tử đờn Nguyễn Văn Châu (Thanh Châu).
ĐCTT cũng theo ông trong những tháng ngày thực hiện nghĩa vụ quân sự (1977 - 1982), đóng góp nhiều thành tích ở Đội văn công Sư đoàn 4, Quân khu 9. Xuất ngũ, ông trở thành cộng tác viên thường trực cho Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Mỏ Cày Nam, thành viên của ban đờn cổ nhạc phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Về sau, ông cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đàn guitar phím lõm tại các hội thi giọng ca cải lương do đài tổ chức, giảng dạy ĐCTT tại nhà văn hóa xã...
Có một thời gian, ông lên Sài Gòn thọ giáo các nghệ sĩ có tiếng tăm, dày dạn trong nghề như: Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Nguyễn Tấn Nhì, Nghệ sĩ ưu tú Út Trong để nâng cao kỹ thuật. Nhờ vậy, ông đã lĩnh hội ĐCTT ở một mức độ sâu sắc hơn, am hiểu thấu đáo về nguồn gốc, diễn trình lịch sử, tính chất của các bài bản, làn điệu trong nhạc mục tài tử, nắm vững kỹ thuật diễn tấu, trường canh, cao độ, cũng như tính năng của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ĐCTT (kìm, tranh, cò, bầu, sến, guitar phím lõm…). Ông am hiểu cả đặc trưng tiêu biểu của từng kiểu dây đờn cổ nhạc (dây Tố Lan, dây Rạch Giá, dây Ngân Giang, dây Lai, dây Tứ nguyệt…). Thanh Châu chia sẻ: “Muốn theo ĐCTT trước hết phải nắm vững căn bản. Đến khi đờn thì tiếng đờn phải hòa nhã, kết hợp, chia sẻ với nhau để cùng nâng tiếng hát, tạo thành một bài trình diễn hoàn chỉnh”.
Những lúc cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn, ông những tưởng sẽ bỏ nghề nhưng lời ca, tiếng đờn vốn đã ăn sâu vào máu lại cùng ông vượt qua những vất vả để đạt đến độ thăng hoa, chín muồi trong nghệ thuật. Ông từng tham gia biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện, dự thi các liên hoan, hội thi về ĐCTT cấp khu vực và toàn quốc, đạt nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen, huy chương. Gần đây nhất là giải nhất Liên hoan Danh cầm đờn kìm và guitar phím lõm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức (năm 2016) và huy chương vàng thể loại hòa tấu tại Festival ĐCTT quốc gia lần thứ II - năm 2017.
Truyền lửa yêu nghề cho thế hệ trẻ
Với tài năng, kinh nghiệm cũng như đạo đức trong nghề, ông được tín nhiệm với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT huyện Mỏ Cày Nam (từ năm 2005 đến nay), Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh (từ năm 2013 đến nay). Gần đây, ông cũng được mời giảng dạy tại Trung tâm Văn hóa thể dục thể thao quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Châu có một phong cách dạy rất riêng, dễ hiểu và đầy sáng tạo. Không chỉ giúp người học lĩnh hội được các kỹ thuật đờn, ca từ dễ đến khó mà còn thấu hiểu giá trị thật sự của di sản văn hóa ĐCTT để nuôi dưỡng tình yêu nghề ngày một sâu sắc hơn. Chính vì vậy, có nhiều người yêu thích ĐCTT đủ mọi lứa tuổi đã tìm đến ông để học, trong đó có nhiều em thiếu nhi có năng khiếu được phụ huynh tin tưởng gửi gắm.
Đối với Thanh Châu, truyền nghề là một thiên chức. Sau khi học hỏi từ các thế hệ đi trước, người nghệ sĩ phải quan tâm đến việc đào tạo thế hệ tiếp nối, phải trở thành nhịp cầu để truyền tải các giá trị của ĐCTT đến với mọi người. Đấy chính là cách giúp di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT được lưu truyền.
Nhiều học trò của ông đạt thành tích tiêu biểu trong nghệ thuật ĐCTT như: tài tử ca Trần Thị Cẩm Loan (sinh năm 1980, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam), huy chương vàng Festival ĐCTT quốc gia lần II - năm 2017 tại Bình Dương; tài tử ca Trần Hoàng Gin (sinh năm 1988, Đầm Dơi, Cà Mau), giải nhì Hội thi Giọng ca Cải lương Giải Cao Văn Lầu năm 2016; hay tài tử nhí Dương Công Tuyển (sinh năm 2008, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam), huy chương đồng Liên hoan Giọng ca tài tử thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh năm 2016 Giải Búp sen vàng... Cùng nhiều tài tử sinh sống và thực hành tốt ĐCTT trong và ngoài tỉnh.
Nói về người thầy của mình, tài tử ca Trần Thị Cẩm Loan cảm kích: “Thầy dạy tôi những bài bản vỡ lòng khi mới tập hát. Những thành tích mà bản thân tôi đạt được là nhờ sự dạy dỗ tận tình của thầy. Thầy đã động viên các thành viên trong câu lạc bộ mở rộng phạm vi hoạt động. Thầy cũng là người có công rất lớn trong duy trì, phát triển Câu lạc bộ ĐCTT huyện Mỏ Cày Nam”.
Tài năng, yêu nghề và tâm huyết với việc lưu truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT, ông Nguyễn Văn Châu vừa được Hội đồng Nghệ thuật cấp tỉnh xét đủ điều kiện đề nghị Hội đồng cấp Bộ công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II năm 2018.
9 tuổi đã theo nghiệp cha
Theo cha sinh hoạt ĐCTT từ lúc 9, 10 tuổi, đến 15 tuổi, Thanh Châu đã thuộc, biết đờn một số bài bản với guitar phím lõm, đờn kìm, sến. Lớn hơn một chút, ông theo thọ giáo thầy Ba Quang (Phạm Minh Quang) về kỹ năng đờn kìm. Đến năm 1976, thì bắt đầu tham gia tích cực hoạt động ĐCTT ở địa phương. Ông là thành viên nòng cốt của Đội văn nghệ xã Cẩm Sơn, chịu trách nhiệm dàn đờn cổ nhạc.
Tài tử đờn Nguyễn Văn Châu (Thanh Châu).
ĐCTT cũng theo ông trong những tháng ngày thực hiện nghĩa vụ quân sự (1977 - 1982), đóng góp nhiều thành tích ở Đội văn công Sư đoàn 4, Quân khu 9. Xuất ngũ, ông trở thành cộng tác viên thường trực cho Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Mỏ Cày Nam, thành viên của ban đờn cổ nhạc phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Về sau, ông cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đàn guitar phím lõm tại các hội thi giọng ca cải lương do đài tổ chức, giảng dạy ĐCTT tại nhà văn hóa xã...
Có một thời gian, ông lên Sài Gòn thọ giáo các nghệ sĩ có tiếng tăm, dày dạn trong nghề như: Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Nguyễn Tấn Nhì, Nghệ sĩ ưu tú Út Trong để nâng cao kỹ thuật. Nhờ vậy, ông đã lĩnh hội ĐCTT ở một mức độ sâu sắc hơn, am hiểu thấu đáo về nguồn gốc, diễn trình lịch sử, tính chất của các bài bản, làn điệu trong nhạc mục tài tử, nắm vững kỹ thuật diễn tấu, trường canh, cao độ, cũng như tính năng của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ĐCTT (kìm, tranh, cò, bầu, sến, guitar phím lõm…). Ông am hiểu cả đặc trưng tiêu biểu của từng kiểu dây đờn cổ nhạc (dây Tố Lan, dây Rạch Giá, dây Ngân Giang, dây Lai, dây Tứ nguyệt…). Thanh Châu chia sẻ: “Muốn theo ĐCTT trước hết phải nắm vững căn bản. Đến khi đờn thì tiếng đờn phải hòa nhã, kết hợp, chia sẻ với nhau để cùng nâng tiếng hát, tạo thành một bài trình diễn hoàn chỉnh”.
Những lúc cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn, ông những tưởng sẽ bỏ nghề nhưng lời ca, tiếng đờn vốn đã ăn sâu vào máu lại cùng ông vượt qua những vất vả để đạt đến độ thăng hoa, chín muồi trong nghệ thuật. Ông từng tham gia biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện, dự thi các liên hoan, hội thi về ĐCTT cấp khu vực và toàn quốc, đạt nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen, huy chương. Gần đây nhất là giải nhất Liên hoan Danh cầm đờn kìm và guitar phím lõm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức (năm 2016) và huy chương vàng thể loại hòa tấu tại Festival ĐCTT quốc gia lần thứ II - năm 2017.
Truyền lửa yêu nghề cho thế hệ trẻ
Với tài năng, kinh nghiệm cũng như đạo đức trong nghề, ông được tín nhiệm với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT huyện Mỏ Cày Nam (từ năm 2005 đến nay), Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh (từ năm 2013 đến nay). Gần đây, ông cũng được mời giảng dạy tại Trung tâm Văn hóa thể dục thể thao quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Châu có một phong cách dạy rất riêng, dễ hiểu và đầy sáng tạo. Không chỉ giúp người học lĩnh hội được các kỹ thuật đờn, ca từ dễ đến khó mà còn thấu hiểu giá trị thật sự của di sản văn hóa ĐCTT để nuôi dưỡng tình yêu nghề ngày một sâu sắc hơn. Chính vì vậy, có nhiều người yêu thích ĐCTT đủ mọi lứa tuổi đã tìm đến ông để học, trong đó có nhiều em thiếu nhi có năng khiếu được phụ huynh tin tưởng gửi gắm.
Đối với Thanh Châu, truyền nghề là một thiên chức. Sau khi học hỏi từ các thế hệ đi trước, người nghệ sĩ phải quan tâm đến việc đào tạo thế hệ tiếp nối, phải trở thành nhịp cầu để truyền tải các giá trị của ĐCTT đến với mọi người. Đấy chính là cách giúp di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT được lưu truyền.
Nhiều học trò của ông đạt thành tích tiêu biểu trong nghệ thuật ĐCTT như: tài tử ca Trần Thị Cẩm Loan (sinh năm 1980, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam), huy chương vàng Festival ĐCTT quốc gia lần II - năm 2017 tại Bình Dương; tài tử ca Trần Hoàng Gin (sinh năm 1988, Đầm Dơi, Cà Mau), giải nhì Hội thi Giọng ca Cải lương Giải Cao Văn Lầu năm 2016; hay tài tử nhí Dương Công Tuyển (sinh năm 2008, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam), huy chương đồng Liên hoan Giọng ca tài tử thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh năm 2016 Giải Búp sen vàng... Cùng nhiều tài tử sinh sống và thực hành tốt ĐCTT trong và ngoài tỉnh.
Nói về người thầy của mình, tài tử ca Trần Thị Cẩm Loan cảm kích: “Thầy dạy tôi những bài bản vỡ lòng khi mới tập hát. Những thành tích mà bản thân tôi đạt được là nhờ sự dạy dỗ tận tình của thầy. Thầy đã động viên các thành viên trong câu lạc bộ mở rộng phạm vi hoạt động. Thầy cũng là người có công rất lớn trong duy trì, phát triển Câu lạc bộ ĐCTT huyện Mỏ Cày Nam”.
Tài năng, yêu nghề và tâm huyết với việc lưu truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT, ông Nguyễn Văn Châu vừa được Hội đồng Nghệ thuật cấp tỉnh xét đủ điều kiện đề nghị Hội đồng cấp Bộ công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II năm 2018.