Khởi nghiệp đàn Guitar từ việc làm thuê
Anh Nam giới thiệu đàn Ukulele, nhạc cụ Hawai du nhập vào Việt Nam được giới trẻ ưa thích
Có một thanh niên nông dân vùng sâu, đi làm thuê ở TPHCM một thời gian dài rồi sau đó trở về quê khởi nghiệp từ cái nghề mà mình đã làm thuê cho chủ: đóng đàn các loại. Hiện tại cơ sở anh cung cấp các loại đàn cho thị trường cả nước. Anh là Võ Văn Nam, chủ cơ sở Tín Quy Nam, ở số 139/27, ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Điều đặc biệt là anh cũng đã tạo ra một số nhạc cụ mang dấu ấn quê hương.
Khởi nghiệp từ việc làm thuê
Anh Võ Văn Nam sinh năm 1968, ở ấp Trai Luận, xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, bên bờ sông Cổ Chiên. Anh học ở trường làng đến năm 16 tuổi.
Gia đình đông con, có tới 8 anh em, cha mẹ không đủ sức nuôi con cái ăn học tới nơi, tới chốn, sức khỏe Nam lại yếu, nên cha mẹ cho anh lên TPHCM vừa làm công, vừa học nghề với người dượng ở 329/32B Trần Hưng Đạo, quận 1 - đây cũng là cơ sở sản xuất nhạc cụ nổi tiếng một thời ở Sài Gòn.
Năm 1996, sau 12 năm học nghề, anh về quê cưới vợ, vừa làm ruộng, vừa gia công đàn cho các cơ sở trong thời gian nông nhàn ở ấp Thượng, xã Đại Phước, sát bờ sông Cổ Chiên.
Năm 2002, công việc làm không xuể anh muốn có cơ sở sản xuất để nâng cao sản lượng và câu hỏi từ thực tế vang lên trong đầu anh: Tại sao mình làm một nhạc cụ cực khổ, tâm huyết nhưng lại mang thương hiệu của người khác?
Trong lúc anh về quê làm gia công thì có 2 học trò cũng đã thành đạt, ra cơ sở riêng là Võ Văn Quốc, Võ Văn Mừng. Từ thực tế ấy, anh Nam quyết định khởi nghiệp!
Hiện tại anh làm đàn theo đơn đặt hàng, sản lượng 200 chiếc mỗi tháng gồm các loại: guitar modern, guitar classique, guitar phím lõm, mandoline, ukulele... Đàn guitar giá thấp nhất 1 triệu đồng, cao nhất 3 triệu đồng. Mandoline, ukulele giá từ 400 ngàn đến 600 ngàn một chiếc.
Anh Nam cho biết: “Đàn giá 1-1,5 triệu là dễ bán nhất! Hợp với túi tiền người bình dân. Nhất là phong trào đờn ca tài tử và nhạc boléro đang lên”.
Nguyên liệu làm đàn được tận dụng từ địa phương: gỗ tràm vàng, gỗ me Tây (còng) dùng để đóng thùng. Nhưng để đảm bảo chất lượng âm thanh thì mặt đàn phải làm bằng gỗ thông.
Giá trị cây đàn cao hay thấp là do cần đàn làm bằng gỗ: tràm vàng hay cẩm lai, thao lao hay giáng hương; thùng đàn trang trí bằng ốc xà cừ hay sơn pu. Gỗ thông, trục đàn, phím đàn đều phải nhập từ nước ngoài.
Sản phẩm của cơ sở được tỉnh Trà Vinh bình chọn là sản phẩm nông thôn tiêu biểu năm 2012, 2014, 2016; từng tham gia hội chợ Sài Gòn WTO EXPO 2008.
Bí kíp để giữ thương hiệu
Anh Nam cho biết, để tạo ra một cây đàn chất lượng thì phải biết phát huy chất liệu gỗ. Cây mua về, xẻ gỗ theo qui cách phơi thật khô, sau đó phải sấy đến một độ khô nào đó, sao cho gỗ không thể biến dạng được nữa dưới tác động của thời tiết.
Độ vang của đàn phụ thuộc vào mặt đàn bằng gỗ thông: xốp, láng, dày 2 mm hoặc 3 mm. Mặt đàn mỏng thì âm vang, cao, chát; mặt đàn dày thì âm trầm, ấm...
Từ đặc điểm này có thể tạo ra đàn guitar modern kêu dây hay guitar classique kêu thùng hoặc guitar phím lõm mùi mẫn... Bí kíp lại nằm trong cái nan nâng đỡ mặt đàn. Lúc tạo thùng đàn, phải xẻ đôi tấm lõi cây me Tây thì thùng đàn mới đồng chất, tạo cộng hưởng âm tốt.
Một cần đàn chuẩn phải làm trong một năm: 6 tháng phơi gỗ trong thiên nhiên, sau đó đem sấy thủ công lần nữa rồi để ổn định trong 6 tháng, không còn cong, không còn co giãn..., lúc đó đưa vào đóng phím mới chuẩn, không bị lạc phím, sai cung.
Cái thùng sản xuất có thể cộng hưởng âm nhiều hay ít, vang hay không vang, nhưng đóng phím sai là kể như bỏ luôn cây đàn. Do vậy mà công đoạn đóng phím có vai trò quyết định chất lượng cây đàn.
Trước tiên phải đo để phân phím một cách chính xác. Sau đó phải hết sức khéo tay để đóng phím đúng nơi cần đóng, chỉ cần sai 0,001mm là làm hỏng cả cây đàn.
Dấu ấn quê hương trên sản phẩm
Anh Nam cho tôi vào kho xem những mẫu đàn mà anh từng sản xuất có tới trăm cái. Có mấy mẫu đàn có cái thùng cực đẹp, giống như khảm ốc xà cừ.
Nêu thắc mắc thì được giải thích: “Quê mình có nhiều dừa, gáo dừa người ta sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vậy thì tại sao mình không thử làm thùng đàn từ dừa? Nghĩ vậy nên tôi bắt tay làm mấy tháng trời, âm thanh trong cực kỳ!”.
Tôi không hiểu sao từ cái gáo dừa mà làm ra thùng đàn? Anh dẫn tôi đi xem xưởng sản xuất. Gáo dừa được chọn là gáo dừa lão, lớn, dày, màu đen bóng...
Thợ cắt ra từng mảnh nhỏ cỡ móng tay cái, sau đó mài bóng, rồi dùng keo ghép lại thành mảnh gỗ phẳng. Cuối cùng ghép vô thùng đàn. Anh còn dùng cách này chế ra hộp đàn cực kỳ mỹ thuật.
Một cây đàn guitar có thùng gáo dừa làm cả tháng, giá 5 triệu đồng, còn đàn mandoline hay ukulele giá 4 triệu đồng. Anh Nam tự hào nói: “Tôi đã đưa được dấu ấn quê hương vào sản phẩm của riêng mình. Bạn không thể tìm đâu ra một sản phẩm như vậy! Đó là cách cảm ơn vùng đất nơi sinh ra tôi!”
Đàn và thùng đàn làm bằng gáo dừa
Hiện anh Nam có hai con trai: Võ Hoàng Quy đang học năm thứ 2 khoa Luật, Đại học Trà Vinh; Võ Thanh Tín đang học lớp 10 và đang học nghề của cha.
Ông chủ cơ sở Tín Quy Nam muốn ba cha con tâm huyết với nghiệp nhà. Cơ sở này tạo việc làm ổn định cho 13 thợ lành nghề, chưa kể lao động thời vụ như: đốn cây, xẻ gỗ, phơi gỗ....
Quan sát những cây đàn mẫu mã tuyệt đẹp, âm thanh hay, tự nhiên tôi buột miệng: Anh có am tường về âm nhạc không? Anh Nam cười: “Kiến thức của tôi chỉ là học trò cấp hai.
Nhưng qua 20 năm học làm đàn và sản xuất đàn, tôi chỉ cần nhìn gỗ, nhìn dáng đàn là có thể đoán định chất lượng âm thanh. Dĩ nhiên mỗi tính năng của nhạc cụ ứng với loại hình âm nhạc thì mình phải biết mà đáp ứng”.
Tôi hỏi câu cuối: Từ góc độ khởi nghiệp khá thành công của mình, anh muốn nhắn nhủ gì ở con cái? Anh Nam vắn tắt: “Nghề nghiệp: Nghề phải học. Nghiệp phải có đam mê!”.
Xem thêm: