Đàn ghi ta cổ quái “made in” Việt Nam
Khi tới thăm nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, người được Pháp thu âm tiếng đàn từ trước 1945 và là Trưởng khoa Cổ nhạc của Trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn trước 1975, tôi thấy giữa các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, nguyệt, bầu tứ… nhạc sư có treo trang trọng giữa nhà một cây đàn ghi ta điện phím lõm như một nét độc đáo của âm nhạc Việt Nam mà ông rất tự hào.
Nghiên cứu chế tạo những cây đàn “độc”.
“Tiếp biến” ghi ta
Cây đàn ghi ta xuất phát từ Tây Ban Nha, phổ biến ở nhiều nước, song khi tới Việt Nam thì nó được người chơi và những người làm đàn biến đổi thành đàn ghi ta phím lõm dùng để chơi cải lương, chơi nhạc tài tử, đánh các bản nhạc cổ và đệm ngâm thơ. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đề cập đến một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam đó là một nền văn hóa mở kiểu “tiếp biến”, hiểu nôm na là tiếp nhận các văn hóa khác và biến đổi chúng cho phù hợp. Cây đàn ghi ta khi đến Việt Nam cũng chịu quy luật “tiếp biến” khi nó trở thành một nhạc cụ trở nên phổ biến trong đờn ca tài tử (đã được công nhận là di sản văn hóa nhân loại). Ban đầu, những cây đàn ghi ta thùng được khoét phím lõm, sau đó, khi xuất hiện ghi ta điện thì những cây ghi ta điện cũng được khoét phím lõm xuống để chơi cổ nhạc.
Tới Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ngày nay, xem các vở cải lương, người xem có thể thấy cây đàn ghi ta phím lõm được các nghệ sĩ sử dụng nhiều nhất trong chương trình. Các nghệ sĩ cũng không rõ cây đàn phím lõm được sử dụng đầu tiên từ năm nào, song cứ như lời các thế hệ đi trước nói lại thì: “Chẳng bao lâu sau khi cây đàn ghi ta được đưa đến Việt Nam thì nó đã được cải tiến ngay thành ghi ta phím lõm”.
Cây đàn ghi ta phím lõm có âm thanh như mê hoặc lòng người. Lúc còn sống, nghệ sĩ ưu tú Út Bạch Lan kể với phóng viên rằng cô mê tiếng ghi ta phím lõm của anh Dậm (sau này lấy nghệ danh Văn Vĩ) mà đi theo hát cải lương. Anh Dậm 15 tuổi, Út Bạch Lan 12 tuổi, hai anh em đi hát rong ở cổng chợ nuôi 2 bà mẹ. Tiếng đàn tiếng hát của họ được người nghe tán thưởng tới mức được mời hát ở đài phát thanh Pháp Á. Cô Út Bạch Lan kể: “Thật khó tin là anh Văn Vĩ mù cả hai mắt mà tiếng đàn phím lõm của anh làm say mê biết bao khán thính giả”.
Made in Việt Nam
Nếu những cây đàn ghi ta thông thường có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới thì cây đàn phím lõm chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam. Các nghệ nhân làm đàn cho biết, “sự khác biệt của cây đàn phím lõm nằm ở bên trong cây đàn chứ không chỉ là hình thức bề ngoài”.
Chẳng hạn, với cần đàn lõm sâu, các nghệ sĩ chơi cổ nhạc lại nhấn nhá nhiều nên các phím đàn bằng sắt rất hay mòn. Các cây đàn cần phải được thay phím thường xuyên nên phải sử dụng chất liệu rất bền.
Bác Hoàng, một người chơi đàn cổ nhạc nói rằng: “Tại Việt Nam cũng chỉ có vài ba người biết làm dây đàn phím lõm chất lượng mà thôi”. Nếu dây đàn ghi ta thông thường, dây nhỏ nhất thường là 0,9mm thì dây nhỏ nhất của đàn ghi ta phím lõm Việt Nam chỉ là 0,5mm. Với sợi dây đàn nhỏ hơn cả sợi tóc, lại phải chịu lực nhấn nhá day vuốt nhiều, dây đàn rất dễ đứt, bởi vậy, việc làm các sợi dây đàn Việt Nam được xem là “một bí quyết” rất ít người nắm được. Chưa kể, giá bán mỗi sợi dây đàn hiện nay cũng chỉ khoảng 2.000 đồng/sợi, cho phù hợp với túi tiền của người nông dân. Một công ty phụ kiện nhạc cụ mới đây muốn liên kết với nước ngoài sản xuất dây đàn cho đàn phím lõm, nhưng mức giá dự kiến khoảng 10.000đồng/sợi và bị xem là quá cao so với giới đàn ca tài tử tại Việt Nam nên không thực hiện được.
Nguyễn Hoàn, một chuyên gia làm đàn phím lõm cũng tiết lộ: “Pick up thu âm tiếng đàn điện phím lõm trên cây đàn là hoàn toàn do Việt Nam sản xuất. Vì với sợi dây đàn chỉ nhỏ bằng ½ sợi dây đàn ghi ta của thế giới thì cần phải sản xuất riêng bộ thu âm bắt tiếng cho đàn Việt Nam”.
Những cây đàn truyền thống của Việt Nam như tranh, bầu, nguyệt… thường có khảm trai những hoa văn cảnh sắc Việt Nam. Đàn ghi ta phím lõm cũng không ngoài quy luật ấy: “Chỉ riêng tiền khảm trai cho đàn ghi ta phím lõm cũng khoảng vài triệu đồng và rất ít người làm, vì đây là một nghệ thuật công phu, tỷ mỷ”. Nếu cây đàn ghi ta Tây Ban Nha thường chỉ khảm một đường viền nhỏ thì cây đàn phím lõm Việt Nam khảm nguyên một con rồng phủ gần kín cây đàn!
Tiêu thụ hàng trăm cây đàn mỗi tháng
Bảo, kỹ thuật viên của tiệm đàn Đại Dương, một trong những cơ sở làm đàn ghi ta phím lõm lớn nhất TPHCM hiện nay cho biết: “Mỗi tháng chúng em tiêu thụ khoảng 100 cây đàn phím lõm, trong đó bán trực tiếp tại cơ sở và bán nhiều đi các tỉnh”. Theo Bảo phần lớn những người chơi đàn cổ nhạc khá nghèo, đàn được dùng trong các ban phục vụ đám tiệc, đám ma, đánh giải trí, đánh đám cưới quê. Bởi vậy, tiếng là ghi ta điện, nhưng giá bán bình quân chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng một cây đàn có thể “đi sô” được rồi.
Đàn ghi ta điện phím lõm sản xuất tại Việt Nam được nhập hầu như 100% nguyên liệu linh kiện ngoại để sản xuất, từ thân đàn, cần đàn, phím, khóa… Sở dĩ có chuyện đàn nội mà nguyên liệu ngoại là do “giá các loại gỗ quý ở Việt Nam rất đắt đỏ và việc nhập khẩu gỗ để làm đàn giúp giá thành hạ xuống, dễ cho người mua”- Oanh, một kỹ thuật viên làm đàn phím lõm nói – “Sau khi đờn ca tài tử được công nhận là di sản văn hóa thế giới thì nhiều người quan tâm đến cổ nhạc và tìm học đàn, mua đàn phím lõm”.
Có mặt tại tỉnh Bạc Liêu, nơi nổi tiếng với sáu câu vọng cổ của nhà soạn nhạc Cao Văn Lầu, phóng viên cũng thấy phong trào học và đàn hát tài tử lan tỏa với hàng chục câu lạc bộ và hàng ngàn người theo học, theo đàn. Một chủ tiệm đàn ở gần khu lưu niệm công tử Bạc Liêu cho biết: “Mỗi tháng chúng em bán được hàng chục cây đàn cổ nhạc, song đáng tiếc là tại địa phương không sản xuất được mà đều đặt mua từ trên TPHCM đem về”.
Anh Tài, một người chơi cổ nhạc từ đồng bằng sông Cửu Long lên TPHCM mua đàn nói: “Người nông dân chúng tôi mê âm nhạc, nên đi đâu về, không có món quà gì hay hơn là tặng nhau một cây đàn chơi cổ nhạc, hoặc ít ra là một vài bộ dây đàn”.
Cây đàn cổ quái
Nghệ nhân Nguyễn Hoàn nói, đờn ca tài tử và nhạc cải lương có khi kết hợp với nhiều ca khúc trữ tình, thậm chí cả các ca khúc ngoại quốc làm chủ đề, bởi vậy, chơi cổ nhạc mà có lúc phải đánh cả tân nhạc, gọi là tân cổ giao duyên. Để tiện việc di chuyển và thuận lợi cho trình tấu, đã ra đời loại đàn ghi ta phím lõm có hai cần đàn. Hai cần đàn này tính chất khác nhau và thực sự là “2 trong 1” – hai cây đàn trong một cây đàn, trong đó thường là một cần đàn phím phẳng mang tính quốc tế và một cần đàn phím lõm Việt Nam. Một số đàn hai cần được chế tạo đều là phím lõm, nhưng kích cỡ cần đàn khác nhau và âm sắc khác nhau. Mỗi cây đàn như vậy, tương đương với vài cây đàn điện loại tốt của các nước phát triển và có giá chừng vài chục triệu đồng.
Người nước ngoài sẽ thấy lạ mắt khi những cây đàn mang thương hiệu lớn của các nước như đàn Fender, đàn Yamaha… đã được thay bằng phím lõm khi sang tới Việt Nam. Một số người mê đàn phím lõm đã mua cây đàn Fender của Mỹ với giá hơn 50 triệu đồng, rồi đóng phím lõm Việt Nam vào để chơi nhạc cải lương.
Anh Kha với cây đàn kết hợp 3 nhạc cụ của ba châu lục.
Anh Kha, một nghệ sĩ chuyên nghiệp và một người đam mê nghiên cứu sáng tạo đàn cổ nhạc đã thiết kế và đặt chế tạo ra những cây đàn đa năng, đa văn hóa. Cây đàn của anh bao gồm đàn ghi ta Hawaii của Mỹ, đàn ghi ta phím lõm Việt Nam và đàn bầu Việt Nam.
Để chơi được nhạc cụ đa văn hóa này, người nghệ sĩ phải giỏi nhiều nhạc cụ và có tư duy phong phú về ngôn ngữ âm nhạc. Là một nghệ sĩ của Nhà hát Trần Hữu Trang, bằng những cây đàn đáo, anh Kha cũng góp phần phổ biến âm nhạc truyền thống Việt Nam ra giới trẻ và bạn bè nước ngoài. Những cây đàn đa năng, đa văn hóa của anh Kha có giá nhiều chục triệu đồng. Anh Kha cho biết: “Rất nhiều người quan tâm đến nhạc cụ của Việt Nam, thích những cây đàn độc đáo như thế này và muốn tìm mua. Tôi đã đặt hàng làm hàng trăm chiếc, nhưng do việc làm những cây đàn đa năng này rất công phu và nguyên vật liệu khan hiếm nên thường mấy tháng thì tôi mới nhận được từ xưởng làm đàn một cây đàn như thế này!”.
Theo cố nhạc sĩ Trần Văn Khê: Các nhạc khí dùng trong Đờn Tài Tử đều giống như các nhạc khí dùng trong Ca Huế nhưng trong Nam ít dùng đờn Tỳ Bà. Cây đờn Tam cũng ít người thích học. Và trong Nam từ năm 1927 -1930, có thêm hai cây đờn của phương Tây được dùng để đờn Tài Tử là Mandoline và Violon. Sau một thời gian thể nghiệm thì có thêm hai nhạc khí khác nữa là Guitar Hạ-Uy-Di và Guitar Tây-Ban-Nha. Từ cây đờn của nước ngoài, nhạc công Việt Nam đã biến thành cây Guitar phím lõm nói được trung thực và nhuần nhuyễn nhạc ngữ Việt Nam.
Nghiên cứu chế tạo những cây đàn “độc”.
“Tiếp biến” ghi ta
Cây đàn ghi ta xuất phát từ Tây Ban Nha, phổ biến ở nhiều nước, song khi tới Việt Nam thì nó được người chơi và những người làm đàn biến đổi thành đàn ghi ta phím lõm dùng để chơi cải lương, chơi nhạc tài tử, đánh các bản nhạc cổ và đệm ngâm thơ. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đề cập đến một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam đó là một nền văn hóa mở kiểu “tiếp biến”, hiểu nôm na là tiếp nhận các văn hóa khác và biến đổi chúng cho phù hợp. Cây đàn ghi ta khi đến Việt Nam cũng chịu quy luật “tiếp biến” khi nó trở thành một nhạc cụ trở nên phổ biến trong đờn ca tài tử (đã được công nhận là di sản văn hóa nhân loại). Ban đầu, những cây đàn ghi ta thùng được khoét phím lõm, sau đó, khi xuất hiện ghi ta điện thì những cây ghi ta điện cũng được khoét phím lõm xuống để chơi cổ nhạc.
Tới Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ngày nay, xem các vở cải lương, người xem có thể thấy cây đàn ghi ta phím lõm được các nghệ sĩ sử dụng nhiều nhất trong chương trình. Các nghệ sĩ cũng không rõ cây đàn phím lõm được sử dụng đầu tiên từ năm nào, song cứ như lời các thế hệ đi trước nói lại thì: “Chẳng bao lâu sau khi cây đàn ghi ta được đưa đến Việt Nam thì nó đã được cải tiến ngay thành ghi ta phím lõm”.
Cây đàn ghi ta phím lõm có âm thanh như mê hoặc lòng người. Lúc còn sống, nghệ sĩ ưu tú Út Bạch Lan kể với phóng viên rằng cô mê tiếng ghi ta phím lõm của anh Dậm (sau này lấy nghệ danh Văn Vĩ) mà đi theo hát cải lương. Anh Dậm 15 tuổi, Út Bạch Lan 12 tuổi, hai anh em đi hát rong ở cổng chợ nuôi 2 bà mẹ. Tiếng đàn tiếng hát của họ được người nghe tán thưởng tới mức được mời hát ở đài phát thanh Pháp Á. Cô Út Bạch Lan kể: “Thật khó tin là anh Văn Vĩ mù cả hai mắt mà tiếng đàn phím lõm của anh làm say mê biết bao khán thính giả”.
Made in Việt Nam
Nếu những cây đàn ghi ta thông thường có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới thì cây đàn phím lõm chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam. Các nghệ nhân làm đàn cho biết, “sự khác biệt của cây đàn phím lõm nằm ở bên trong cây đàn chứ không chỉ là hình thức bề ngoài”.
Chẳng hạn, với cần đàn lõm sâu, các nghệ sĩ chơi cổ nhạc lại nhấn nhá nhiều nên các phím đàn bằng sắt rất hay mòn. Các cây đàn cần phải được thay phím thường xuyên nên phải sử dụng chất liệu rất bền.
Bác Hoàng, một người chơi đàn cổ nhạc nói rằng: “Tại Việt Nam cũng chỉ có vài ba người biết làm dây đàn phím lõm chất lượng mà thôi”. Nếu dây đàn ghi ta thông thường, dây nhỏ nhất thường là 0,9mm thì dây nhỏ nhất của đàn ghi ta phím lõm Việt Nam chỉ là 0,5mm. Với sợi dây đàn nhỏ hơn cả sợi tóc, lại phải chịu lực nhấn nhá day vuốt nhiều, dây đàn rất dễ đứt, bởi vậy, việc làm các sợi dây đàn Việt Nam được xem là “một bí quyết” rất ít người nắm được. Chưa kể, giá bán mỗi sợi dây đàn hiện nay cũng chỉ khoảng 2.000 đồng/sợi, cho phù hợp với túi tiền của người nông dân. Một công ty phụ kiện nhạc cụ mới đây muốn liên kết với nước ngoài sản xuất dây đàn cho đàn phím lõm, nhưng mức giá dự kiến khoảng 10.000đồng/sợi và bị xem là quá cao so với giới đàn ca tài tử tại Việt Nam nên không thực hiện được.
Nguyễn Hoàn, một chuyên gia làm đàn phím lõm cũng tiết lộ: “Pick up thu âm tiếng đàn điện phím lõm trên cây đàn là hoàn toàn do Việt Nam sản xuất. Vì với sợi dây đàn chỉ nhỏ bằng ½ sợi dây đàn ghi ta của thế giới thì cần phải sản xuất riêng bộ thu âm bắt tiếng cho đàn Việt Nam”.
Những cây đàn truyền thống của Việt Nam như tranh, bầu, nguyệt… thường có khảm trai những hoa văn cảnh sắc Việt Nam. Đàn ghi ta phím lõm cũng không ngoài quy luật ấy: “Chỉ riêng tiền khảm trai cho đàn ghi ta phím lõm cũng khoảng vài triệu đồng và rất ít người làm, vì đây là một nghệ thuật công phu, tỷ mỷ”. Nếu cây đàn ghi ta Tây Ban Nha thường chỉ khảm một đường viền nhỏ thì cây đàn phím lõm Việt Nam khảm nguyên một con rồng phủ gần kín cây đàn!
Tiêu thụ hàng trăm cây đàn mỗi tháng
Bảo, kỹ thuật viên của tiệm đàn Đại Dương, một trong những cơ sở làm đàn ghi ta phím lõm lớn nhất TPHCM hiện nay cho biết: “Mỗi tháng chúng em tiêu thụ khoảng 100 cây đàn phím lõm, trong đó bán trực tiếp tại cơ sở và bán nhiều đi các tỉnh”. Theo Bảo phần lớn những người chơi đàn cổ nhạc khá nghèo, đàn được dùng trong các ban phục vụ đám tiệc, đám ma, đánh giải trí, đánh đám cưới quê. Bởi vậy, tiếng là ghi ta điện, nhưng giá bán bình quân chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng một cây đàn có thể “đi sô” được rồi.
Đàn ghi ta điện phím lõm sản xuất tại Việt Nam được nhập hầu như 100% nguyên liệu linh kiện ngoại để sản xuất, từ thân đàn, cần đàn, phím, khóa… Sở dĩ có chuyện đàn nội mà nguyên liệu ngoại là do “giá các loại gỗ quý ở Việt Nam rất đắt đỏ và việc nhập khẩu gỗ để làm đàn giúp giá thành hạ xuống, dễ cho người mua”- Oanh, một kỹ thuật viên làm đàn phím lõm nói – “Sau khi đờn ca tài tử được công nhận là di sản văn hóa thế giới thì nhiều người quan tâm đến cổ nhạc và tìm học đàn, mua đàn phím lõm”.
Có mặt tại tỉnh Bạc Liêu, nơi nổi tiếng với sáu câu vọng cổ của nhà soạn nhạc Cao Văn Lầu, phóng viên cũng thấy phong trào học và đàn hát tài tử lan tỏa với hàng chục câu lạc bộ và hàng ngàn người theo học, theo đàn. Một chủ tiệm đàn ở gần khu lưu niệm công tử Bạc Liêu cho biết: “Mỗi tháng chúng em bán được hàng chục cây đàn cổ nhạc, song đáng tiếc là tại địa phương không sản xuất được mà đều đặt mua từ trên TPHCM đem về”.
Anh Tài, một người chơi cổ nhạc từ đồng bằng sông Cửu Long lên TPHCM mua đàn nói: “Người nông dân chúng tôi mê âm nhạc, nên đi đâu về, không có món quà gì hay hơn là tặng nhau một cây đàn chơi cổ nhạc, hoặc ít ra là một vài bộ dây đàn”.
Cây đàn cổ quái
Nghệ nhân Nguyễn Hoàn nói, đờn ca tài tử và nhạc cải lương có khi kết hợp với nhiều ca khúc trữ tình, thậm chí cả các ca khúc ngoại quốc làm chủ đề, bởi vậy, chơi cổ nhạc mà có lúc phải đánh cả tân nhạc, gọi là tân cổ giao duyên. Để tiện việc di chuyển và thuận lợi cho trình tấu, đã ra đời loại đàn ghi ta phím lõm có hai cần đàn. Hai cần đàn này tính chất khác nhau và thực sự là “2 trong 1” – hai cây đàn trong một cây đàn, trong đó thường là một cần đàn phím phẳng mang tính quốc tế và một cần đàn phím lõm Việt Nam. Một số đàn hai cần được chế tạo đều là phím lõm, nhưng kích cỡ cần đàn khác nhau và âm sắc khác nhau. Mỗi cây đàn như vậy, tương đương với vài cây đàn điện loại tốt của các nước phát triển và có giá chừng vài chục triệu đồng.
Người nước ngoài sẽ thấy lạ mắt khi những cây đàn mang thương hiệu lớn của các nước như đàn Fender, đàn Yamaha… đã được thay bằng phím lõm khi sang tới Việt Nam. Một số người mê đàn phím lõm đã mua cây đàn Fender của Mỹ với giá hơn 50 triệu đồng, rồi đóng phím lõm Việt Nam vào để chơi nhạc cải lương.
Anh Kha với cây đàn kết hợp 3 nhạc cụ của ba châu lục.
Anh Kha, một nghệ sĩ chuyên nghiệp và một người đam mê nghiên cứu sáng tạo đàn cổ nhạc đã thiết kế và đặt chế tạo ra những cây đàn đa năng, đa văn hóa. Cây đàn của anh bao gồm đàn ghi ta Hawaii của Mỹ, đàn ghi ta phím lõm Việt Nam và đàn bầu Việt Nam.
Để chơi được nhạc cụ đa văn hóa này, người nghệ sĩ phải giỏi nhiều nhạc cụ và có tư duy phong phú về ngôn ngữ âm nhạc. Là một nghệ sĩ của Nhà hát Trần Hữu Trang, bằng những cây đàn đáo, anh Kha cũng góp phần phổ biến âm nhạc truyền thống Việt Nam ra giới trẻ và bạn bè nước ngoài. Những cây đàn đa năng, đa văn hóa của anh Kha có giá nhiều chục triệu đồng. Anh Kha cho biết: “Rất nhiều người quan tâm đến nhạc cụ của Việt Nam, thích những cây đàn độc đáo như thế này và muốn tìm mua. Tôi đã đặt hàng làm hàng trăm chiếc, nhưng do việc làm những cây đàn đa năng này rất công phu và nguyên vật liệu khan hiếm nên thường mấy tháng thì tôi mới nhận được từ xưởng làm đàn một cây đàn như thế này!”.
Theo cố nhạc sĩ Trần Văn Khê: Các nhạc khí dùng trong Đờn Tài Tử đều giống như các nhạc khí dùng trong Ca Huế nhưng trong Nam ít dùng đờn Tỳ Bà. Cây đờn Tam cũng ít người thích học. Và trong Nam từ năm 1927 -1930, có thêm hai cây đờn của phương Tây được dùng để đờn Tài Tử là Mandoline và Violon. Sau một thời gian thể nghiệm thì có thêm hai nhạc khí khác nữa là Guitar Hạ-Uy-Di và Guitar Tây-Ban-Nha. Từ cây đờn của nước ngoài, nhạc công Việt Nam đã biến thành cây Guitar phím lõm nói được trung thực và nhuần nhuyễn nhạc ngữ Việt Nam.