Header Ads

Header Ads

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Nhạc sĩ của mùa Thu


Biết tin nghệ sĩ guitar Hawai Đoàn Đính - con trai cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ghé thăm Nha Trang, tôi đã mạo muội xin cuộc hẹn. Bởi những giai thoại về cuộc đời và âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này chưa bao giờ hết sức hút.

Nhạc sĩ của mùa thu

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924 - 2001) là con trai thứ hai của chủ hãng nước mắm Vạn Vân giàu có nức tiếng ở miền Bắc trước năm 1945. Tính tình nghệ sĩ, khi lớn lên, chàng công tử họ Đoàn đã theo học đàn guitar với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và học guitar Hawai với nghệ sĩ Wiliam Chấn (người Hoa). Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đoàn Chuẩn tham gia kháng chiến, tản cư tại khu 4. Tại đây, vì thích cô hàng cà phê nên ông đã sáng tác bản nhạc Tình nghệ sĩ để tặng nàng. Trước đây, nhiều người vẫn nhắc đến bản nhạc này như sáng tác đầu tay của nhạc sĩ. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Đính, bản nhạc đầu tay của Đoàn Chuẩn chính là Ánh trăng mùa thu sáng tác năm 1947. “Năm 1990, bố tôi có chép tay 18 bản nhạc để làm tập nhạc nhưng không hề nhắc đến bài Ánh trăng mùa thu. Mãi đến sau khi bố tôi mất (2001), gia đình tôi mới biết đến bản nhạc này do một người ở TP. Hồ Chí Minh gửi tặng”, nghệ sĩ Đoàn Đính kể. Bản nhạc này (in năm 1953) chỉ in 20 bản có đánh số để tặng bạn bè, trên bản nhạc nhạc sĩ ghi chú: Viết ở Đống Năm để kỷ niệm những ngày ở Khuốc (Thái Bình), thu 47.

Xem thêm:



Nghệ sĩ Đoàn Đính (bên phải) giới thiệu tập nhạc viết tay của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Khởi đầu với Ánh trăng mùa thu, các sáng tác của Đoàn Chuẩn về sau đều mang đậm phong vị thu của miền Bắc như: Thu quyến rũ, Đường về Việt Bắc, Chuyển bến, Tà áo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều. Vì thế, nhiều khán giả ái mộ đã phong tặng cho ông danh hiệu “nhạc sĩ của mùa thu”. Khác với mùa thu sầu thảm tuyệt vọng của Đặng Thế Phong, cũng chẳng giống với sắc thu đượm màu Đường thi của Văn Cao, mùa thu của Đoàn Chuẩn là thu quyến rũ và êm đềm với trời xanh, gió lộng mây ngàn và tà áo xanh, những lá thư tình màu xanh. Với nhạc của ông, ta như nghe được tiếng lá rơi nhè nhẹ, cảm được heo may se lạnh của mùa thu Hà Nội, phảng phất đâu đó là hình bóng giai nhân đã hơn một lần làm trái tim nghệ sĩ xao xuyến… Nét nhạc dịu dàng tha thiết trong nhạc của Đoàn Chuẩn là bởi âm hưởng của âm sắc đàn guitar Hawai, cũng có ý kiến cho rằng đó là vì những khúc nhạc của ông đều viết tặng cho các bóng hồng nên thiên nhiên luôn tươi đẹp, yêu người nên yêu cả mùa thu.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chỉ công bố 18 ca khúc, đến khi ông ra đi, người thân mới phát hiện thêm 3 ca khúc: Ánh trăng mùa thu, Thuở trâm cài và Bên cầu. Cho đến hôm nay, nhiều người yêu nhạc vẫn luyến tiếc vì ông sáng tác quá ít. Từ thập niên 60, ông gần như ngừng sáng tác, mãi đến những năm cuối đời mới quay trở lại phổ nhạc một số bài thơ của bạn bè thì hương vị nhạc tình của ông đã bay đi mất. Nhắc đến chuyện này, ông Đoàn Đính cho biết, sinh thời, khi đề cập đến lý do ngừng sáng tác, có lần nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nói: “Hết yêu thì hết viết nhạc”.

Những giai thoại hư thực

Người đời yêu mến Đoàn Chuẩn không chỉ vì âm nhạc của ông mà bởi cuộc đời ông có nhiều giai thoại. Rằng, thuở còn thanh niên, ông sống rất ngông, nào là khi đi tắm biển Đồ Sơn (Hải Phòng), ông phi xe xuống bãi biển rồi thuê ô dù che xe; bóng ô dù bao nhiêu tính diện tích trả tiền bấy nhiêu. Rồi chuyện ông phải lòng một người đẹp có tiếng nhưng nàng đang được một anh chàng có thế lực đeo đuổi nên ông chơi ngông thuê người lái xe chặn đường người này, còn mình ung dung lái xe đi đón người đẹp… Theo nghệ sĩ Đoàn Đính, những chuyện này đều là người đời thêu dệt.

Người đời vẫn truyền tụng gần như mỗi bài hát của Đoàn Chuẩn đều có một bóng hồng, tuy nhiên không ai biết hết được danh tính thật sự của những người đẹp đã đem lại cảm hứng cho nghệ sĩ. Bài Tình nghệ sĩ ông viết tặng cô hàng cà phê Thanh Hương ở vùng khu IV tự do. Trong tập nhạc xuất bản năm 1990, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có ghi bên lề bản nhạc: “Viết tại hàng cà phê Thanh Hương nơi C.T và Đ.C đều chết mệt vì cô hàng”. Theo nhạc sĩ, ban đầu ông định viết “đây quán Thanh Hương mấy thu vàng ấm” nhưng sau đổi thành “đây khách ly hương mấy thu vàng ấm”! Bài hát Đường về Việt Bắc với những lời ca yêu thương: “Chiều nao áo tím nhiều quá lòng thấy xốn xang nhớ người” để tặng người vợ yêu quý đang ở chiến khu.



Bản nhạc chép tay của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Theo nhiều nhà nghiên cứu, bài Tà áo xanh, Vàng phai mấy lá, Lá đổ muôn chiều ông viết về mối tình với ca sĩ Thanh Hằng. Trong bài Lá đổ muôn chiều, nhạc sĩ ghi chú: “Viết tại 63 Lý Thường Kiệt và 46 Hàng Cót, Hà Nội (rạp Đại Đồng) cuối năm 1954, bước sang năm 1955. Không sao kìm nổi xúc động và nhớ vô cùng”. Còn Cánh hoa duyên kiếp và Gửi người em gái miền Nam là ca khúc tặng cho ca sĩ Mộc Lan (người gốc Hải Phòng). Trong tập nhạc in năm 1990, Đoàn Chuẩn có viết bên cạnh bài Cánh hoa duyên kiếp: “Thu 1953 - Kỷ niệm M.L”.

Trong cuộc trò chuyện, ông Đoàn Đính nhận định, dù ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh nhưng tất cả các sáng tác đều là của bố ông. “Vì sao ông để tên Từ Linh vào sáng tác của mình là một bí mật mà bố tôi không bao giờ nói… Và tôi nghĩ rằng, Từ Linh là ai, những bóng hồng trong âm nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh là ai không quan trọng. Điều quan trọng là những khúc ca ấy được người đời yêu thích, tô điểm thêm cho cuộc sống”, nghệ sĩ Đoàn Đính bày tỏ!

THÀNH NGUYỄN