Cuộc đời của nghệ sĩ tài ba Hoàng Giác
"Tan giấc mơ hoa/ Bóng người khuất xa…". Nếu cuộc đời chỉ là giấc mơ thì giấc mơ của Hoàng Giác vẫn là một giấc mơ hoa thơm ngát sang cả cõi vĩnh hằng. Ở phố cổ Hà Nội, nếu bạn có thói quen đi bộ buổi sáng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, bạn sẽ gặp một ông già tráng kiện đi bộ mỗi sáng, trán hói và tươi cười rất trẻ và sẽ khó có thể đoán được tuổi ông già ấy. Đó chính là nhạc sĩ Hoàng Giác ở tuổi bát tuần với tình khúc "Mơ hoa" nổi tiếng từ trước Cách mạng Tháng Tám.
Là một trong 36 phố cổ Hà Nội, phố Hàng Bạc ở thập niên 1930 nổi tiếng bởi là nơi cư trú của nhà văn Vũ Trọng Phụng với "Giông tố" và "Số đỏ". Còn ở thập niên 1940 chính là nhạc sĩ Hoàng Giác. Bây giờ phố Hàng Bạc nổi tiếng vì có nhạc sĩ Nguyễn Cường và thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm (con trai của nhạc sĩ Hoàng Giác) dù thi sĩ đã cư trú ở phố khác thì vẫn cứ mang danh "Công tử Hàng Bạc".
Hoàng Giác sinh ở Hà Nội năm 1924, đồng niên và đồng long đong một thời như Đoàn Chuẩn. Ông là học sinh học đến tú tài phần I Trường Bưởi (Lypro) từ 1939-1943. Niềm đam mê đàn bầu của người cha đã truyền sang Hoàng Giác vào thời Tây học. Và Hoàng Giác đã tự học guitar để có thể độc tấu và tự đệm cho giọng hát trầm ấm của mình.
Chân dung nhạc sĩ Hoàng Giác Ảnh: Nguyễn Khánh
"Mơ hoa" là tác phẩm đầu tay của Hoàng Giác mà khởi nguồn của giai điệu vượt thời gian này là mối tình đầu chớm hé và chóng tàn phai của chàng trai Hoàng Giác vừa tròn đôi mươi. Nàng là cô hàng xóm ngẫu nhiên chừng 15 tuổi với làn tóc dài, dáng người thon thả, đôi mắt trong sáng, đôi môi luôn mỉm cười khiến cho Hoàng Giác liên tưởng tới những nàng bán hoa tươi Ngọc Hà thường gặp trên đường đi học. Nàng được cha mẹ cử từ Hà Đông ra Hà Nội để chăm sóc bà. Nàng đã làm cảm động trái tim si tình của chàng. Nàng đã khiến chàng "ngày tưởng đêm mơ" một giấc mơ thơm ngát sắc hoa. Nhịp rumba nhún nhảy như chiếc đòn gánh dẻo trên vai các nàng bán hoa tươi đã được Hoàng Giác đưa vào giai điệu tác phẩm: "Cô hái hoa tươi/Hãy dừng bước chân/Trên đường thẳm xa/Tôi nhắn cô em đôi lời…". "Mơ hoa" ra đời nhưng chàng không thể tìm gặp nàng để tặng vì nàng đã về lại Hà Đông và ít lâu sau thì chàng đã được tin nàng đi lấy chồng. Có vẻ như tình tiết rất phảng phất tình tiết ra đời "Cô láng giềng" của Hoàng Quý. Nhưng vì được viết trước khi tình tiết này xảy ra nên "Mơ hoa" của Hoàng Giác tuy có "Tan giấc mơ hoa/Bóng người khuất xa" thì âm nhạc vẫn cứ trong trẻo, cứ đẹp như giấc mơ chứ không u uẩn như "Cô láng giềng".
Sau Cách mạng Tháng Tám, "Mơ hoa" được ca sĩ Mai Khanh giới thiệu lần đầu tiên tại Đài Tiếng nói Việt Nam và ca sĩ Thương Huyền thường biểu diễn ở quán Nghệ Sĩ bên bờ hồ mà giờ đây nhạc sĩ của "Mơ hoa" vẫn hằng sáng đi bộ qua. Mối tình chóng phai tàn nhưng "Mơ hoa" thì đã vượt thời gian, mang cái tên Hoàng Giác ghi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam.
Toàn quốc kháng chiến, Hoàng Giác tham gia Đoàn Tuyên truyền xung phong trung ương. Vào khoảng năm 1947, Hoàng Giác được phép về thăm gia đình đang tản cư ở huyện Đông Anh (khi ấy thuộc Phúc Yên). Cảm xúc như "cánh chim tìm về tổ ấm", sẵn có guitar đeo trước ngực, Hoàng Giác đã vừa đi vừa sáng tác xong bài hát "Ngày về" với những chùm ba luyến láy dùng dằng, ngập ngừng như bước chân người trở về với niềm day dứt ly tán vì chiến tranh.
Do có chuyện riêng, Hoàng Giác trở về Hà Nội vào những năm đầu thập niên 1950. "Ngày về" của ông được mang ra đàm tiếu và suy luận khá sai lạc. Không những thế, thời chống Mỹ, "Ngày về" còn bị cơ quan Tâm lý chiến Sài Gòn lấy làm nhạc hiệu cho chương trình phát thanh "Chiêu hồi". Bởi vậy, "Ngày về" và tác giả của nó không khỏi chịu số phận hẩm hiu trong nhiều năm. Những năm tháng ấy, như Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác chỉ im lặng và kiếm sống bằng nghề dạy guitar. Mãi tới năm 1972, khi con trai cả Hoàng Nhuận Cầm đi bộ đội lúc đang học dở dang Khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và chùm thơ chiến trường Cầm viết ở Quảng Trị được giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ, Hoàng Giác mới bắt đầu được dần dà nhìn nhận lại.
Sau "Mơ hoa" và "Ngày về", Hoàng Giác còn viết những "Quê hương", "Lỡ cung đàn", "Bóng ngày qua", "Hương lúa đồng quê"…, bài nào cũng man mác, đằm thắm. Ông luôn luôn khiêm nhường như Đoàn Chuẩn, chỉ nhận mình là người sáng tác "A-ma-tơ" nhưng chỉ với "Mơ hoa" và "Ngày về", Hoàng Giác đã xứng đáng ở vị trí của một trong những nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng.
Không trọn vẹn với dáng kiều "Mơ hoa", Hoàng Giác lại trọn đời với một nàng Kiều Hà Nội. Bà Hoàng Giác vừa đẹp vừa trẻ hơn tuổi khá nhiều. Ông bà vẫn sống ở phố Hàng Bạc xa xưa trong một cuộc sống đạm bạc khi các con đã có gia đình riêng.
Nàng "Mơ hoa" tuy đã có gia đình của mình nhưng rất biết ơn nhạc sĩ và đã trở thành bạn bè của vợ chồng nhạc sĩ. Bây giờ, tất cả đã lùi vào quá vãng, mái đầu đã điểm bạc và để hiểu rằng cuộc đời chỉ là một giấc mơ thì giấc mơ đó vẫn là một giấc mơ hoa thơm ngát sang cả cõi vĩnh hằng.
Tan giấc "Mơ hoa"
Nhạc sĩ Hoàng Giác sinh năm 1924, tại Hà Nội, qua đời vào lúc 23 giờ 38 phút ngày 14-9-2017 tại nhà riêng ở Hà Nội. Ông bắt đầu tự học nhạc và chơi đàn khi còn là cậu học sinh Trường Bưởi. Đầu năm 1945, khi mới 21 tuổi, ông viết bài hát đầu tiên và nổi tiếng: "Mơ hoa". Giống như một số nhạc sĩ cùng thời như Đoàn Chuẩn..., gia tài âm nhạc của Hoàng Giác không quá đồ sộ. Ông có khoảng 20 bài hát qua các thời kỳ, trong số đó có nhiều bài hát nổi tiếng và vượt thời gian: "Mơ hoa", "Ngày về", "Lỡ cung đàn"… Hoàng Giác chuyên sử dụng nhạc cụ là đàn guitar Hawaii, từng là giảng viên guitar nhiều năm tại Trường Sư phạm Nhạc họa trung ương.
Tang lễ nhạc sĩ Hoàng Giác được tổ chức từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ ngày 20-9-2017 tại Nhà Tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội.
H.L.Anh
Là một trong 36 phố cổ Hà Nội, phố Hàng Bạc ở thập niên 1930 nổi tiếng bởi là nơi cư trú của nhà văn Vũ Trọng Phụng với "Giông tố" và "Số đỏ". Còn ở thập niên 1940 chính là nhạc sĩ Hoàng Giác. Bây giờ phố Hàng Bạc nổi tiếng vì có nhạc sĩ Nguyễn Cường và thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm (con trai của nhạc sĩ Hoàng Giác) dù thi sĩ đã cư trú ở phố khác thì vẫn cứ mang danh "Công tử Hàng Bạc".
Hoàng Giác sinh ở Hà Nội năm 1924, đồng niên và đồng long đong một thời như Đoàn Chuẩn. Ông là học sinh học đến tú tài phần I Trường Bưởi (Lypro) từ 1939-1943. Niềm đam mê đàn bầu của người cha đã truyền sang Hoàng Giác vào thời Tây học. Và Hoàng Giác đã tự học guitar để có thể độc tấu và tự đệm cho giọng hát trầm ấm của mình.
Chân dung nhạc sĩ Hoàng Giác Ảnh: Nguyễn Khánh
"Mơ hoa" là tác phẩm đầu tay của Hoàng Giác mà khởi nguồn của giai điệu vượt thời gian này là mối tình đầu chớm hé và chóng tàn phai của chàng trai Hoàng Giác vừa tròn đôi mươi. Nàng là cô hàng xóm ngẫu nhiên chừng 15 tuổi với làn tóc dài, dáng người thon thả, đôi mắt trong sáng, đôi môi luôn mỉm cười khiến cho Hoàng Giác liên tưởng tới những nàng bán hoa tươi Ngọc Hà thường gặp trên đường đi học. Nàng được cha mẹ cử từ Hà Đông ra Hà Nội để chăm sóc bà. Nàng đã làm cảm động trái tim si tình của chàng. Nàng đã khiến chàng "ngày tưởng đêm mơ" một giấc mơ thơm ngát sắc hoa. Nhịp rumba nhún nhảy như chiếc đòn gánh dẻo trên vai các nàng bán hoa tươi đã được Hoàng Giác đưa vào giai điệu tác phẩm: "Cô hái hoa tươi/Hãy dừng bước chân/Trên đường thẳm xa/Tôi nhắn cô em đôi lời…". "Mơ hoa" ra đời nhưng chàng không thể tìm gặp nàng để tặng vì nàng đã về lại Hà Đông và ít lâu sau thì chàng đã được tin nàng đi lấy chồng. Có vẻ như tình tiết rất phảng phất tình tiết ra đời "Cô láng giềng" của Hoàng Quý. Nhưng vì được viết trước khi tình tiết này xảy ra nên "Mơ hoa" của Hoàng Giác tuy có "Tan giấc mơ hoa/Bóng người khuất xa" thì âm nhạc vẫn cứ trong trẻo, cứ đẹp như giấc mơ chứ không u uẩn như "Cô láng giềng".
Sau Cách mạng Tháng Tám, "Mơ hoa" được ca sĩ Mai Khanh giới thiệu lần đầu tiên tại Đài Tiếng nói Việt Nam và ca sĩ Thương Huyền thường biểu diễn ở quán Nghệ Sĩ bên bờ hồ mà giờ đây nhạc sĩ của "Mơ hoa" vẫn hằng sáng đi bộ qua. Mối tình chóng phai tàn nhưng "Mơ hoa" thì đã vượt thời gian, mang cái tên Hoàng Giác ghi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam.
Toàn quốc kháng chiến, Hoàng Giác tham gia Đoàn Tuyên truyền xung phong trung ương. Vào khoảng năm 1947, Hoàng Giác được phép về thăm gia đình đang tản cư ở huyện Đông Anh (khi ấy thuộc Phúc Yên). Cảm xúc như "cánh chim tìm về tổ ấm", sẵn có guitar đeo trước ngực, Hoàng Giác đã vừa đi vừa sáng tác xong bài hát "Ngày về" với những chùm ba luyến láy dùng dằng, ngập ngừng như bước chân người trở về với niềm day dứt ly tán vì chiến tranh.
Do có chuyện riêng, Hoàng Giác trở về Hà Nội vào những năm đầu thập niên 1950. "Ngày về" của ông được mang ra đàm tiếu và suy luận khá sai lạc. Không những thế, thời chống Mỹ, "Ngày về" còn bị cơ quan Tâm lý chiến Sài Gòn lấy làm nhạc hiệu cho chương trình phát thanh "Chiêu hồi". Bởi vậy, "Ngày về" và tác giả của nó không khỏi chịu số phận hẩm hiu trong nhiều năm. Những năm tháng ấy, như Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác chỉ im lặng và kiếm sống bằng nghề dạy guitar. Mãi tới năm 1972, khi con trai cả Hoàng Nhuận Cầm đi bộ đội lúc đang học dở dang Khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và chùm thơ chiến trường Cầm viết ở Quảng Trị được giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ, Hoàng Giác mới bắt đầu được dần dà nhìn nhận lại.
Sau "Mơ hoa" và "Ngày về", Hoàng Giác còn viết những "Quê hương", "Lỡ cung đàn", "Bóng ngày qua", "Hương lúa đồng quê"…, bài nào cũng man mác, đằm thắm. Ông luôn luôn khiêm nhường như Đoàn Chuẩn, chỉ nhận mình là người sáng tác "A-ma-tơ" nhưng chỉ với "Mơ hoa" và "Ngày về", Hoàng Giác đã xứng đáng ở vị trí của một trong những nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng.
Không trọn vẹn với dáng kiều "Mơ hoa", Hoàng Giác lại trọn đời với một nàng Kiều Hà Nội. Bà Hoàng Giác vừa đẹp vừa trẻ hơn tuổi khá nhiều. Ông bà vẫn sống ở phố Hàng Bạc xa xưa trong một cuộc sống đạm bạc khi các con đã có gia đình riêng.
Nàng "Mơ hoa" tuy đã có gia đình của mình nhưng rất biết ơn nhạc sĩ và đã trở thành bạn bè của vợ chồng nhạc sĩ. Bây giờ, tất cả đã lùi vào quá vãng, mái đầu đã điểm bạc và để hiểu rằng cuộc đời chỉ là một giấc mơ thì giấc mơ đó vẫn là một giấc mơ hoa thơm ngát sang cả cõi vĩnh hằng.
Tan giấc "Mơ hoa"
Nhạc sĩ Hoàng Giác sinh năm 1924, tại Hà Nội, qua đời vào lúc 23 giờ 38 phút ngày 14-9-2017 tại nhà riêng ở Hà Nội. Ông bắt đầu tự học nhạc và chơi đàn khi còn là cậu học sinh Trường Bưởi. Đầu năm 1945, khi mới 21 tuổi, ông viết bài hát đầu tiên và nổi tiếng: "Mơ hoa". Giống như một số nhạc sĩ cùng thời như Đoàn Chuẩn..., gia tài âm nhạc của Hoàng Giác không quá đồ sộ. Ông có khoảng 20 bài hát qua các thời kỳ, trong số đó có nhiều bài hát nổi tiếng và vượt thời gian: "Mơ hoa", "Ngày về", "Lỡ cung đàn"… Hoàng Giác chuyên sử dụng nhạc cụ là đàn guitar Hawaii, từng là giảng viên guitar nhiều năm tại Trường Sư phạm Nhạc họa trung ương.
Tang lễ nhạc sĩ Hoàng Giác được tổ chức từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ ngày 20-9-2017 tại Nhà Tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội.
H.L.Anh